Text Box: TIN VUI 
 

 

 

 

 

 


 

Web site:www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

Số 52  Ngày 17.09.2006

 

 

MỤC MỤC

 

Chúa Nhật  XXIV Thường Niên  NĂM B..

TRƯỜNG CỦA NGƯỜI GIÀ..

Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhân dịp kỷ niệm 20 năm Cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn Cầu Nguyện Cho Hoà Bình tại Assisi ( 1986 - 2006).

Bài Giảng của Ðức Thánh Cha trong Thánh Lễ sáng hôm thứ Ba 12 tháng 9 năm 2006, tại công viên Islender Feld của thành phố Regensburg.

THƯ MỤC VỤ NĂM 2006: SỐNG ĐẠO HÔM NAY..

TỪ NỮ THẦN ĐẾN NỮ QUYỀN.. TRONG TIỂU THUYẾT  “MẬT MÃ DA VINCI”.

SÁO ĐỜI.

SỐNG ĐẠO TRONG HÔN NHÂN..

SỰ TÍCH NGƯỜI CHA..

TÌNH YÊU, TỰ DO HAY NÔ LỆ?.

HÃY VUI CÙNG CON TRẺ..

Chia sẻ với em: ''Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai''. (tiếp theo)

Thư giãn cuối tuần.

 

 

 

 

Text Box: SỐNG LỜI CHÚA

  

 

 


 

Chúa Nhật  XXIV Thường Niên  NĂM B

 

"Thầy là Đấng Kitô! "

 

Tin Mừng : Mc 8,27-35


Sau một thời gian đi theo Đức Giêsu, các tông đồ đã được nghe Ngài rao giảng Tin mừng, được thấy Ngài làm phép lạ chữa lành bệnh tật cho dân chúng và các ông cũng được biết những quan niệm của dân chúng về Đức Giêsu. Vì thế Tin mừng Chúa nhật XXIV TN hôm nay tường thuật lại cho chúng ta bối cảnh về một cuộc trắc nghiệm của Đức Giêsu đối với các tông đồ, để xem các ông nghĩ Ngài là ai? Trước hết Ngài hỏi các tông đồ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. (Mc 8, 27-28). Mặc dù các tông đồ chỉ phản ảnh lại những ý kiến của đám đông quần chúng, nhưng dường như các ông cũng ngả theo những quan niệm này, nên các ông cứ vô tư kể lại, mà không mảy may có một xác tín nào khác về Đức Giêsu. Sau đó Ngài đã hỏi lại các tông đồ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8, 29). Chỉ một mình Phêrô xác tín vào sứ mạng của Thầy mình, chỉ một mình ông biết rõ Đức Giêsu là Đấng Kitô trong khi các tông đồ khác thì chẳng biết gì cả, đi theo Đức Giêsu mà các ông chỉ biết Ngài một cách hời hợt bên ngoài. Từ sự xác tín của một mình Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô”, đến thái độ vô tư của các tông đồ khác, chúng ta nhận thấy rằng không phải cứ là môn đệ Đức Giêsu thì đã hiểu biết về Ngài, không phải cứ là người Kitô hữu thì đã yêu mến Chúa.

 

Hành trình đức tin là một cuộc tìm kiếm không ngừng và khám phá không ngừng. Sự xác tín vào Chúa chỉ có thể có được khi đã cảm nghiệm về tình thương yêu của Ngài dành cho mỗi người chúng ta. Và khi đã xác tín vào Chúa, chúng ta được mời gọi hãy thể hiện tình yêu ấy cho anh em tha nhân. Đối với Phêrô mặc dầu ông đã hiểu đúng về Đức Giêsu, nhưng sự hiểu biết vẫn chưa đầy đủ. Ông Phêrô đã xác tín “Thầy là Đấng Kitô”, nhưng ông vẫn không chấp nhận việc Thầy mình phải chịu đau khổ. Vì thế ông đã bị Đức Giêsu khiển trách: “Xa tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8, 33).


Là những người Kitô hữu, mặc dầu chúng ta đã tin nhận Đức Giêsu, nhưng cũng như các tông đồ khi xưa, chúng ta hiểu biết về Ngài một cách hời hợi, nông cạn. Vì thế khi được bình an, mạnh khoẻ thì chúng ta giữ đạo rất sốt sắng, nhưng khi gặp thử thách gian nan thì chúng ta dễ nản lòng bỏ cuộc, thậm chí còn “bỏ đạo” nữa. Để có được một niềm tin vững mạnh, chúng ta hãy lắng nghe và gẫm suy Lời Chúa phán: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 34-35). Xác tín Đức Giêsu là Đấng Kitô, chúng ta hãy noi gương Ngài chấp nhận những nghịch cảnh, những thánh giá Chúa gửi đến trong cuộc đời mỗi người chúng ta.


Lạy Chúa Giêsu, xin cho con mỗi ngày một khám phá ra con người đích thực của Chúa, đó là chúng con tin nhận rằng Ngài là Đấng Cứu Thế xuống trần gian để cứu chuộc chúng con. Amen.

Lm. Micae Hoàng Đô Đốc

Tiếp theo

Text Box: CON ĐƯỜNG TU ĐỨC

 

TRƯỜNG CỦA NGƯỜI GIÀ

 

Tháng 9 là tháng khai trường. Đủ thứ trường dành cho mọi lứa tuổi. Còn tuổi già thì không có trường.

 

Nhưng, chính tuổi già đã là một loại trường. Trường này đến với mọi người già yếu. Trường đến với người, chứ người không đi đến trường. Vì thế, trường này bao trùm không gian khắp nước.

 

Với tuổi gần 80, tôi thuộc trường này đã khá lâu.

 

Hôm nay, tôi xin chia sẻ một vài bài học, mà tôi tiếp thu được từ trường đặc biệt này.

 

Những bài học mà tuổi già dạy tôi đã không viết bằng chữ, nhưng ngấm vào tâm hồn tôi thành những cảm nghiệm. Tôi nghĩ người già nào nhiều ít cũng vậy. Xin nêu lên vài thí dụ.

 

1/ Cảm nghiệm nơi chính mình về sự chuyển biến những giới hạn

 

Ở tuổi nào, người ta cũng nhận thấy con người mình có nhiều giới hạn. Nhưng về già, người ta càng thấy rõ sự thật đó. Thấy rõ không phải chỉ bằng lý thuyết, nhưng nhất là bằng cảm nghiệm nơi bản thân mình.

 Thí dụ trong lãnh vực sức khoẻ , người già cảm thấy các giới hạn càng ngày càng nhiều và càng hẹp lại. Như thể mình trở về tuổi thơ. Nhưng khác một điều: Trẻ nhỏ luôn vượt giới hạn để vươn lên. Còn tuổi già thì luôn trượt giới hạn để rớt xuống. Đến một giới hạn đáng thương là tự mình không còn tự lo cho mình được, kể cả những việc cá nhân cần thiết.

 

Hiện tượng biến chuyển các giới hạn cũng xảy ra nơi người già trong nhiều lãnh vực khác, như lãnh vực tinh thần, thí dụ tinh thần cầu nguyện. Ở đây biến chuyển giới hạn không luôn luôn đồng nghĩa với suy tàn, mà là thay đổi. Giới hạn hướng ngoại sẽ hẹp lại, còn giới hạn đi vào nội tâm sẽ rộng hơn, sâu hơn. Nhờ vậy, người già thường dễ phân biệt cái gì là phù du, là ảo và cái gì là giá trị thực.

 

Hiện tượng thay đổi giới hạn xuất hiện khá rõ trong lãnh vực tình cảm. Tuổi càng cao, sức khoẻ càng giảm, người ta thường thích thưởng thức trong nội tâm những hương vị nhẹ nhàng của tình nghĩa đơn sơ, yêu thương chân thành và hiếu thảo vị tha. Đôi khi sợ những thứ quan hệ nặng nề hình thức lễ nghi, xã giao ồn ào. Rất nhạy bén trước thái độ tế nhị của xã hội đối với người già. Họ nhận thức sâu xa thân phận của mình mang nhiều giới hạn mong mọi người thông cảm.

 

2/ Cảm nghiệm nơi xã hội về sự phân hoà càng ngày càng tăng

 

Những người già hôm nay là những người đã đồng hành với lịch sử Đất Nước. Lịch sử khá dài, nhiều gian truân đầy kỷ niệm phấn đấu. Trong những chặng đường đó, người ta không có nhiều lựa chọn. Lựa chọn căn bản và phổ quát nhất là được sống ấm no trong trật tự kỷ cương.

 

Còn hiện nay, bầu khí xã hội là hưởng thụ, tự do.

 

 Một bầu khí như thế sẽ tạo ra các thứ nhu cầu, các loại hạnh phúc. Có nhu cầu đúng và có nhu cầu giả. Có hạnh phúc tốt và có hạnh phúc xấu. Nhu cầu nọ đẻ ra nhu cầu kia. Hạnh phúc này đòi thêm hạnh phúc khác. Các thứ nhu cầu và các thứ hạnh phúc thực và giả đó đua nhau mời gọi người ta từ trước mắt cho đến trong trí nhớ, trí vẽ. Mời gọi với đủ mọi hình thức hấp dẫn tinh vi.

 

Sống với bầu khí xã hội như thế, nếu con người ta không sáng suốt và can đảm để có những lựa chọn đúng, tìm những hạnh phúc thực, thì sẽ sinh ra thứ phân hoá đau lòng. Một gia đình chỉ gồm 4 người, mà mỗi người đều có những chọn lựa khác nhau, thì đã có cảnh phân hoá rồi. Phương chi một cộng đoàn, một miền, một nước.

 

Nếu bầu khi xã hội lại biến thành cạnh tranh không lành mạnh, thì sự phân hoá sẽ rất nguy hiểm. Cạnh tranh không lành mạnh là cạnh tranh bằng những phương tiện xấu, và do động lực xấu. Những phương tiện xấu như thi đua tố cáo nhau, gièm pha bôi xấu nhau. Động lực xấu như do ghen tương, trả thù, tư lợi, hạ người xuống để mình được lên.

 

3/ Cảm nghiệm nơi thế giới về khả năng xãy ra nhiều tai hoạ, nếu nhân loại tiếp tục đi sâu vào đàng tội.

 

Người già, qua nhiều kinh nghiệm về lịch sử đạo đời, thường dễ cảm nghiệm thấy ý nghĩa của những dấu chỉ thời sự. Những cảm nghiệm như thế có nghĩa như một sự báo động, mà ơn trên ban cho họ.

 

Họ linh cảm sự giao tranh giữa thiện ác sẽ rất khốc liệt. Nhưng đến một lúc nào đó, khi sự vô luân quá tung hoành, thắng thế, thì họ linh cảm hậu quả ghê gớm sẽ phải xảy ra, như một cảnh báo dọn đường cho một trật tự mới.

 

Những linh cảm như thế có thể coi như một thứ cảm nghiệm kết tinh từ những kinh nghiệm lâu dài, mà họ đã trải qua trên con đường lịch sử pha trộn ánh sáng và bóng tối, nụ cười và nước mắt, bình an và đau khổ, thành công và thất bại.

 

4/ Cảm nghiệm nơi đời sống cộng đoàn về nguy cơ tự huỷ

 

Cộng đoàn nói đây được hiểu về mọi thứ đời sống đoàn thể, như gia đình, hiệp hội, đảng phái, giáo đoàn.

Những cộng đoàn này, cho dù mạnh tới đâu, vẫn có thể bị phá huỷ. Yếu tố phá huỷ có thể là từ ngoài, và cũng có thể là từ trong chính nội bộ.

 

Trường hợp tự huỷ không phải là hiếm. Tự huỷ do đâu? Theo cảm nghiệm người già, thì yếu tố mạnh nhất đưa một cộng đồng đến tự huỷ là vô cảm và không còn tin nhau.

 

 Ai đau khổ mặc ai. Ai túng nghèo cũng kệ. Sống dửng dưng, vô cảm là thái độ sống ích kỷ, giết chết lương tâm.

 

Mỗi người chỉ sống cho mình, chỉ tin vào mình. Nghi nhau, sợ nhau, xa tránh nhau. Bè phái. Mất niềm tin vào nhau là tự khoá cửa lòng. Có thể lỗi do mình, mà cũng do bao người khác.

Những nếp sống vô cảm và mất niềm tin như thế sớm muộn sẽ phá đổ cộng đoàn.

 

Trên đây là vài cảm nghiệm mà trường "tuổi già" đã in vào bản thân tôi. Tất nhiên cảm nghiệm thì có giá trị chủ quan và tương đối, mang tính thời sự đôi chút.

 

 Thiết tưởng đây cũng là một mảnh đời gởi lại những người đi sau.

 

 Càng về cuối đời, tôi càng cảm thấy rõ: Mình chẳng là gì, mình chẳng đáng gì. Nếu có gì tốt, thì đều do Chúa ban, như lời thánh Phaolô viết: "Con có gì mà con đã không nhận lãnh" (1 Cr 4,7).

 

Trên đường về Nhà Cha, tôi cũng như nhiều vị già yếu khác, luôn xin được ơn tái sinh trong tình thương xót Chúa và trong tình liên đới nâng đỡ thứ tha của Hội Thánh và của mọi người.

 

 

 

ĐGM GB Bùi Tuần

Tiếp theo

 

Text Box: HIỆP THÔNG GIÁO HỘI 
 

 


 

Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhân dịp kỷ niệm 20 năm Cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn Cầu Nguyện Cho Hoà Bình tại Assisi ( 1986 - 2006).

 

Kính gởi chư huynh đáng kính Domenico Sorrentino,

Giám Mục Assisi Nocera Umbra -- Gualdo Tadino,

Năm nay có lễ kỷ niệm 20 năm cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế để cầu nguyện cho Hoà Bình, mà vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Ðức Gioan Phaolô II, đã muốn tổ chức vào ngày 27 tháng 10 năm 1986, tại thành Assisi. Như đã biết, Ðức Gioan Phaolô II đã mời đến gặp gỡ không chỉ những anh chị em kitô thuộc các giáo hội khác nhau, nhưng còn mời cả những nhân vật nổi tiếng của nhiều tôn giáo khác nhau. Sáng kiến đã có tiếng vang rộng rãi trong công luận: biến cố đã nói lên một sứ điệp vang động cho hoà bình và đã ghi dấu lịch sử thời đại chúng ta. Người ta hiểu được rằng việc nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra lúc đó, tiếp tục khơi dậy những sáng kiến trên hai bình diện suy tư và dấn thân hành động. Vài sáng kiến đã được dự trù tổ chức tại chính thành phố Assisi, nhân dịp kỷ niệm 20 năm biến cố này. Tôi nghĩ đến cử hành được tổ chức, với sự đồng thuận của giáo phận sở tại, do bởi cộng đoàn thánh Egidiô, theo đường lối của những cuộc gặp gỡ tương tự đã được cộng đoàn tổ chức hằng năm. Kế đến, Viện Thần Học Assisi cũng sẽ tổ chức một Hội Nghị vào đúng những ngày mừng lễ; và những giáo hội địa phương của vùng sẽ quy tựu lại tham dự Thánh Lễ Ðồng Tế do các Giám Mục vùng Umbria cử hành trong Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phanxicô. Cuối cùng, Hội Ðồng Toà Thánh về Ðối Thọai Liên Tôn sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ, để đối thọai, cầu nguyện và huấn luyện về Hoà Bình, dành cho giới trẻ công giáo và các bạn trẻ đến từ các tôn giáo khác.

Những sáng kiến vừa nói trên, --- mỗi sáng kiến có tầm vóc riêng, --- làm nổi bật giá trị của trực giác mà Ðức Gioan Phaolô II đã có, vừa đồng thời nói lên tính cách thời sự của trực giác này, theo viễn tượng của những biến cố đã xảy ra trong hai mươi năm qua, và của hoàn cảnh trong đó nhân loại ngày nay đang sống. Biến cố có ý nghĩa nhất trong khoảng thời gian 20 năm qua, chắc chắn là cuộc sụp đổ, tại Ðông Âu, của những chế độ cai trị theo chủ nghĩa cộng sản. Cùng với cuộc sụp đổ này, cũng bị tan luôn cuộc "chiến tranh lạnh" đã từng phân chia thế giới thành những vùng ảnh hưởng đối nghịch nhau, vừa khơi dậy việc tàng trử những kho vũ khí khủng khiếp và việc duy trì những đạo quân sẵn sàng cho cuộc chiến toàn diện. Lúc đó đã là giây phút mang đến niềm hy vọng chung về hoà bình, làm cho nhiều người mơ về một thế giới khác, trong đó những tương quan giữa các dân tộc có thể được phát triển, để bù lại cho những thiệt hại của chiến tranh, và hiện tượng toàn cầu hoá được diễn ra dưới huy hiệu của cuộc gặp gỡ hoà bình giữa các dân tộc và giữa các nền văn hoá, trong khung cảnh của một công pháp quốc tế được mọi người nhìn nhận, được gợi hứng theo sự tôn trọng những đòi buộc của sự thật, sự công bằng và tình liên đới.

Nhưng buồn thay, giấc mơ hoà bình này đã không được thực hiện. Trái lại, ngàn năm thứ ba đã bắt đầu với những cảnh khủng bố và bạo lực không biết lúc nào mới chấm dứt được. Sự kiện rằng những xung đột vũ trang diễn ra nhất là trong khung cảnh những căng thẳng địa lý - chính trị tại nhiều vùng trên thế giới, -- (sự kiện này) -- có thể gia tăng cảm tưởng cho rằng, không chỉ những khác biệt về văn hoá, mà còn chính những khác biệt về tôn giáo nữa, đều tạo ra những lý do gây bất ổn hoặc đầy hăm dọa đối với những viễn tượng về hoà bình.

Chính trong viễn ảnh này mà sáng kiến, --- do Ðức Gioan Phaolô II cổ võ cách đây 20 năm, --- có được tính cách của một lời tiên tri đến đúng lúc. Lời mời gọi của Ðức Gioan Phaolô II xin các vị lãnh đạo các tôn giáo thế giới hãy cùng nhau làm chứng cho hoà bình, (lời mời gọi này) làm sáng tỏ một cách rõ ràng rằng tôn giáo không thể là gì khác hơn là tác nhân mang đến hoà bình. Như Công Ðồng Vaticanô II đã trình bày trong Tuyên Ngôn "Nostra Aetate" -- (có nghĩa là "Thời Ðại Chúng Ta") --- nói về những liên lạc của Giáo Hội với những tôn giáo không kitô, "chúng ta không thể nào gọi Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, nếu chúng ta không có thái độ làm người anh chị em, đối với một số nguời nào đó cũng được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa" như chúng ta (số 5). Mặc cho những khác biệt giữa những con đường tôn giáo khác nhau, việc nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa --- mà con người có thể nhìn nhận chỉ nhờ qua kinh nghiệm về tạo vật (x. thư Roma 1,20) --- (việc nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa) không thể nào không giúp cho những kẻ tin Chúa có thái độ nhìn nhận những kẻ khác như là anh chị em. Vì thế, không ai được phép nại đến lý do về sự khác biệt tôn giáo, như là căn bản hoặc như là cớ, để có thái độ gây chiến với những kẻ khác.

Người ta có thể đặt vấn nạn rằng lịch sử biết đến hiện tượng buồn đau của những cuộc chiến tôn giáo. Tuy nhiên chúng ta biết rõ rằng những thể hiện như thế về bạo lực không thể nào được quy gán cho tôn giáo xét như là tôn giáo; nhưng đó là do những giới hạn văn hoá mà, với những giới hạn này, tôn giáo được thực hành và được phát triển trong dòng thời gian. Khi ý thức tôn giáo đạt đến mức trưởng thành, thì ý thức đó làm phát sinh nơi tín hữu nhận thức rằng đức tin vào Thiên Chúa, --- Ðấng tạo hoá của vũ trụ và là Người Cha của tất cả mọi người, --- không thể nào không cổ võ những liên lạc của tình huynh đệ đại đồng giữa con người với nhau. Thật vậy, những chứng tá về mối giây liên lạc sâu xa hiện có giữa tương quan với Thiên Chúa và nền luân lý của tình thương, (những chứng tá đó) đều có mặt trong tất cả những truyền thống tôn giáo lớn. Chúng ta, những người kitô, chúng ta cảm thấy mình được xác tín trong điều vừa nói, và hơn nữa được soi sáng bởi Lời Chúa. Thánh Kinh Cựu Ước đã mạc khải tình thương của Thiên Chúa đối với tất cả mọi dân tộc, mà Ngài, trong giao ước ký kết với Ông Môisen, quy tụ lại trong một "vòng tay" duy nhất, được biểu trưng bởi " cầu vòng trên các đám mây" (STK 9, 13.14.16); và tiếp đó, một cách vĩnh viễn, qua lời của các ngôn sứ, ngài muốn quy tụ các dân tộc lại trong một đại gia đình phổ quát (x. Is 2,2tt; 42,6; 66, 18-21; Gier 4,2; TV 47). Kế đến, trong Tân Uớc, mạc khải về ý định tình thương phổ quát đạt đến chóp đỉnh trong mầu nhiệm Vượt Qua, trong đó, bằng một hành động đáng khâm phục để thể hiện tình liên đới cứu rỗi, Con Thiên Chúa Nhập Thể hiến dâng chính mình làm hy tế trên thập giá cho toàn thể nhân lọai. Như thế, Thiên Chúa chứng mình rằng bản thể ngài là tình yêu thuơng. Ðó là tất cả những gì tôi có ý nhấn mạnh trong thông điệp đầu tiên được bắt đầu với những lời: Thiên Chúa là Tình Yêu (Deus caritas est) (1 Gn 4,7). Lời quả quyết này của Kinh Thánh không những soi sáng cho Mầu Nhiệm Thiên Chúa, mà còn dọi sáng cho những tương quan giữa người với người, vì tất cả mọi người đều được gọi hãy sống theo mệnh lệnh của Tình Thương.

Cuộc gặp gỡ đã được cổ võ tại Assisi do bởi vị Tôi Tớ Chúa, Ðức Gioan Phaolô II, nhấn mạnh một cách thích hợp đến giá trị của lời cầu nguyện, trong công cuộc xây dựng hoà bình. Thật vậy, chúng ta ý thức con đường tiến đến điều thiện hảo căn bản này là khó khăn biết chừng nào, và đôi khi có tính cách tuyệt vọng rồi, theo cái nhìn phàm trần của con người. Hoà bình là một giá trị mà trong đó có biết bao yếu tố hướng về đó. Ðể xây dựng hoà bình, chắc chắn rằng những con đường có tính cách văn hoá, chính trị, kinh tế, là rất quan trọng. Tuy nhiên, trước hết, hoà bình cần được xây dựng nơi các tâm hồn. Thật vậy, chính trong các tâm hồn mà được phát triển những tâm tình có thể nuôi sống hoà bình, hoặc ngược lại, có thể đe dọa hoà bình, làm cho hoà bình bị yếu đi, và bị chết nghẹt. Hơn nữa tâm hồn con người còn là nơi của những can thiệp của Thiên Chúa. Vì thế, bên cạnh chiều kích "theo tầm ngang" của những tương quan với kẻ khác, được biểu lộ một chiều kích có tầm quan trọng căn bản, là chiều kích "theo dọc đứng" của tương quan của mỗi cá nhân với Thiên Chúa, Ðấng là nền tảng của tất cả mọi sự. Ðó chính là điều mà Ðức Gioan Phaolô II, với sáng kiến của năm 1986, đã muốn nhắc lại một cách mạnh mẽ cho toàn thế giới. Ngài đã yêu cầu hãy cầu nguyện một cách đích thật, một lời cầu nguyện lôi cuốn toàn bộ cuộc sống. Vì thế, Ngài đã muốn sao cho lời cầu nguyện được đi kèm với việc chay tịnh và được thể hiện trong cuộc hành hương, biểu tượng cho cuộc hành trình tiến đến gặp gỡ Thiên Chúa. Ðức Gioan Phaolô II đã giải thích như sau: "Từ phía chúng ta, lời cầu nguyện đòi hỏi sự hoán cải nơi tâm hồn" (trích Giáo Huấn của Ðức Gioan Phaolô II, 1986, vol. II, trg 1253).

Trong số những khía cạnh đặc biệt của cuộc Gặp Gỡ năm 1986, người ta cần phải nhấn mạnh rằng giá trị của lời cầu nguyện trong công cuộc xây dựng hoà bình đã được làm chứng bởi những nhân vật thuộc những truyền thống tôn giáo khác nhau, và điều này không xảy ra ở một nơi xa cách, nhưng trong khung cảnh của cuộc Gặp Gỡ. Như vậy, những con người cầu nguyện của những tôn giáo khác nhau, qua ngôn ngữ của chứng từ, có thể cho thấy như thế nào việc cầu nguyện không gây chia rẽ, nhưng hiệp nhất, và kết thành một yếu tố quyết định cho một khoa sư phạm hữu hiệu về hoà bình, dựa trên tình bạn, trên sự chấp nhận lẫn nhau, trên sự đối thoại giữa những người thuộc về các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau. Hơn bao giờ hết,chúng ta cần đến khoa sư phạm này, nhất là cho những thế hệ mới. Trong những vùng trên thế giới bị ghi dấu bởi những xung đột, hiện có biết bao người trẻ "bị giáo dục" với những tâm tình hận ghét và trả thù, trong khung cảnh của những ý thức hệ khác nhau, trong đó được gieo xuống những hạt giống của sự buồn phiền đã qua, và chuẩn bị các tâm hồn cho những bạo động trong tương lai. Câ஠phải hạ xuống những bức tường ngăn cách và cổ võ cuộc gặp gỡ. Do đó tôi vui mừng vì những sáng kiến đã được dự trù năm nay tại Assisi theo hướng này, và tôi vui mừng cách đặc biệt vì Hội Ðồng Toà Thánh đặc trách đối thoại liên tôn, đã nghĩ đến một sáng kiến đặc biệt dành riêng cho giới trẻ.

Ðể tránh hiểu lầm về ý nghĩa của những gì mà vào năm 1986 Ðức Gioan Phaolô II muốn thực hiện, và theo cách diễn tả của ngài, muốn đề ra như là "tinh thần của Assisi", thì điều quan trọng là không nên bỏ quên chú tâm đã được thể hiện lúc đó sao cho cuộc gặp gỡ liên tôn để cầu nguyện, không bị hiểu theo những giải thích có tính cách "pha trộn tôn giáo", một sự pha trộn dựa trên một quan niệm có tính cách tương đối hoá mọi sự. Chính vì thế mà ngay từ đầu, Ðức Gioan Phaolô II đã tuyên bố như sau: "Sự kiện chúng ta đến gặp nhau nơi đây, không kéo theo bất cứ ý định nào về việc đi tìm một sự "hoà hợp" tôn giáo giữa chúng ta, hoặc để "thương lượng" về những xác tín đức tin của chúng ta. Cũng không có nghĩa là các tôn giáo có thể "liên minh" lại , để dấn thân chung trong một dự án trần thế vượt quá phạm vi của các tôn giáo. Cũng không phải là một nhượng bộ cho chủ thuyết tương đối hoá trong những niềm tin tôn giáo..." (Insegnamenti, cit.,trg 1252). Tôi muốn xác nhận lại nguyên tắc trên; đây là nguyên tắc kết thành nền tảng của cuộc đối thọai giữa các tôn giáo, mà từ 40 năm qua Công Ðồng VaticanôII đã mong muốn trong Tuyên Ngôn về những liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo không kitô (x. Tuyên Ngôn Nostra Aetate, số 2). Tôi muốn nhân dịp này chào quý vị đại diện các tôn giáo tham dự vào sáng kiến này hay sáng kiến khác trong số những sáng kiến được tổ chức tại Assisi để kỷ niệm 20 năm Cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn đầu tiên để cầu nguyện cho Hoà Bình. Cũng như chúng ta, những người kitô, những vị đại diện các tôn giáo cũng biết rõ rằng trong lời cầu nguyện, người ta có thể thực hiện kinh nghiệm đặc biệt về Thiên Chúa và rút ra từ đó những khích lệ cho việc dấn thân vào công cuộc xây dựng hoà bình. Tuy nhiên, trong lãnh vực này, chúng ta có bổn phận tránh đi những lẫn lộn không đúng lúc. Vì thế, cả khi chúng ta gặp gỡ nhau và cầu nguyện cho hoà bình, thì cần phải làm sao để việc cầu nguyện được diễn ra theo những con đường khác nhau, riêng biệt của mỗi tôn giáo. Ðây là quyết định của biến cố năm 1986, và quyết định đó vẫn còn có giá trị cho ngày hôm nay. Sự "đồng quy về một hướng" của những điều khác nhau, không nên tạo ra cảm tưởng về một sự chiều  theo chủ thuyết tương đối hoá, một chủ thuyết chối bỏ ý nghĩa của sự thật và chối bỏ khả thể đạt đến sự thật.

Ðể thực hiện sáng kiến đầy can đảm và có tính cách tiên tri của mình, Ðức Gioan Phaolô II đã muốn chọn khung cảnh đầy ý nghĩa của thành phố Assisi, được mọi người biết đến, nhờ dung mạo của thánh Phanxicô. Thật vậy, vị Thánh Nghèo này đã thể hiện một cách nêu gương niềm Phúc thật được Chúa Giêsu công bố trong phúc âm như sau: "Phúc cho những ai họat động cho hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con cái của Thiên Chúa" (Mt 5,9). Chứng tá mà thánh nhân đã thực hiện trong thời đại của ngài, trở thành điểm quy chiếu tự nhiên cho tất cả những ai ngày hôm nay đang vun trồng lý tưởng hoà bình, tôn trọng thiên nhiên, đối thoại giữa mọi người, giữa các tôn giáo và giữa các nền văn hoá. Tuy nhiên điều quan trọng là hãy nhớ rằng, nếu không muốn phản bội lại sứ điệp của ngài, (rằng) chính sự chọn lựa tận căn của Chúa Kitô đã cung cấp cho thánh Phanxicô chìa khoá đê堨iểu về tình huynh đệ mà tất cả mọi nguời đều được mời gọi tiến đến, và cả những tạo vật vô hồn cũng được mời gọi tham dự cách nào đó vào tình huynh đệ này, như "anh mặt trời", như "chị mặt trăng". Tôi vui mừng nhắc lại rằng, trong sự trùng hợp với kỷ niệm 20 năm sáng kiến của Ðức Gioan Phaolô II để cầu nguyện cho hoà bình, thì đây cũng là dịp kỷ niệm 800 năm cuộc trở lại của thánh Phanxicô. Hai cử hành này soi sáng cho nhau. Trong những lời mà Ðấng Chịu đóng đinh vào Thập Giá nói với Phanxicô tại nhà thờ San Damiano: "Phanxicô, hãy đi và tu sửa lại nhà Ta...", trong sự chọn lựa sống khó nghèo tận căn, trong cái hôn dành cho người phong cùi, -- trong đó được thể hiện khả năng mới của ngài nhìn thấy và yêu mến Chúa Kitô nơi nhưng anh chị em đau khổ, --- thánh Phanxicô bắt đầu cuộc phiêu lưu trên bình diện nhân bản và kitô, một cuộc phiêu lưu còn tiếp tục thu hút biết bao người thời đại chúng ta và làm cho thành phố Assisi này trở thành đích điểm cho vô số cuộc hành hương.

Chư huynh đáng kính, Chủ Chăn của Giáo Hội tại giáo phận Assisi Nocera Umbra Gualdo Tadino, tôi trao phó cho chư huynh trách vụ thông chuyển những suy nghĩ trên của tôi cho những tham dự viên của những cử hành khác nhau, đã được dự định, để kỷ niệm 20 năm biến cố lịch sử, là Cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế ngày 27 tháng 10 năm 1986. Xin Chư Huynh chuyển đến tất cả lời chào thân tình và Phép Lành của tôi, kèm theo câu chúc và lời cầu nguyện của vị Thánh Nghèo thành Assisi: "Xin Chúa ban ơn hoà bình cho anh chị em!"

 

Từ Castel Gandolfo, ngày 2 tháng 9 năm 2006

Bênêđitô XVI, giáo hoàng, ấn ký.

 

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

Theo Radio Veritas

Tiếp theo

 

Bài Giảng của Ðức Thánh Cha trong Thánh Lễ sáng hôm thứ Ba 12 tháng 9 năm 2006, tại công viên Islender Feld của thành phố Regensburg.

 

Anh chị em thân mến,

Ai tin Chúa thì sẽ không bao giờ cô đơn! Ðó là "khẩu hiệu sống" của những ngày này. Và chúng ta thấy khẩu hiệu này được thể hiện nơi đây. Ðức Tin quy tụ chúng ta lại và làm cho chúng ta mừng lễ. Ðức Tin mang đến cho chúng ta niềm vui trong Thiên Chúa, niềm vui vì cảnh thiên nhiên tạo vật và niềm vui được sống chung với nhau. Tôi biết rõ rằng trước hết Cuộc Lễ Mừng này đã đòi hỏi nhiều mệt nhọc và nhiều việc làm. Qua những bài viết trong các báo, tôi đã có thể biết được rằng biết bao người đã hy sinh thời giờ và sức lực để chuẩn bị cho công viên này được xứng đáng như thế này; Nhờ bao người dấn thân, mà Cây Thánh Giá được dựng lên nơi ngọn đồi, như là dấu chỉ của Thiên Chúa cho nền hòa bình thế giới. Những con đường để đi vào công viên này và những con đường giúp ra khỏi công viên, được khai thông cho tự do lưu thông; an ninh và trật tư được bảo đãm. Người ta cũng chuẩn cho có sẵn những nơi dừng nghỉ, vân vân... Tôi đã không thể nghĩ ra được --- và cả bây giờ tôi cũng chỉ biết một cách chung chung mà thôi --- (tôi đã không thể nghĩ ra) cần phải làm biết bao công việc cho đến những chi tiết thật nhỏ, ngõ hầu giờ đây chúng ta có thể tựu họp chung lại như thế này. Vì tất cả mọi sự như thế, tôi không thể chỉ nói cách đơn sơ "hết lòng cám ơn!" mà thôi. Xin Thiên Chúa thưởng công anh chị em vì tất cả những gì anh chị em đã làm; và ước gì niềm vui mà giờ đây chúng ta có thể cảm nghiệm được nhờ qua công việc chuẩn bị của anh chị em, được ban lại cho mỗi người anh chị em gấp trăm lần hơn. Tôi thật cảm động, khi biết rằng biết bao người, cách đặc biệt những người thuộc về nhóm chuyên nghiệp Weiden và Amberg, với tư cách chung của hãng xưởng cũng như của từng cá nhân, những con người nam nữ, đã cộng tác với nhau, để làm đẹp cho căn nhà và ngôi vườn của tôi. Hơi lúng túng trước biết bao lòng tốt như thế, tôi chỉ có thể nói lời khiêm tốn "cám ơn". Anh chị em đã làm tất cả những điều vừa nói, không phải chỉ cho một người, cho con người đơn hèn tôi đây; nhưng anh chị em đã làm như vậy trong tình liên đới đức tin, vừa để mình được hướng dẫn bởi tình thương đối với Chúa và đối với giáo hội. Tất cả những điều này là dấu chỉ của nhân loại đích thực, một nhân loại phát sinh nhờ được Chúa Giêsu Kitô chạm đến.

Chúng ta quy tựu lại với nhau để cử hành cuộc Lễ Mừng của Ðức Tin. Tuy nhiên, giờ đây phát xuất một vấn nạn: trong thực tế, chúng ta tin gì đây? Tin có nghĩa là gì? Một sự việc như vậy còn có thể trong thế giới tân tiến này hay sao? Nhìn thấy những "Bộ Tổng Luận" thần học của thời Trung Cổ, hoặc nghĩ đến số lượng sách được viết mỗi ngày để bênh vực hay để chống lại Ðức Tin, người ta có thể bị cám dỗ, ngã lòng và nghĩ rằng đây là việc quá phức tạp. Cuối cùng, vì nhìn từng cây, nên người ta không thấy rừng cây nữa. Quả đúng là cái nhìn đức tin bao gồm trời và đất, bao gồm quá khứ, hiện tại, tương lai, sự đời đời, --- và vì thế mà cái nhìn Ðức Tin không bao giờ bị cạn đi được. Tuy nhiên, trong cốt tủy của nó, đức tin là điều thật đơn sơ. Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha về Ðức tin như sau: "Cha đã muốn mạc khải điều đó cho những kẻ đơn sơ, --- cho những ai có khả năng nhìn thấy bằng con tim" (x, Mt 11,25). Phần Giáo Hội thì cống hiến cho chúng ta một bộ "Tổng Luận" nhỏ, trong đó trọn cả điều thiết yếu được diễn tả: đó là điều được gọi là "Kinh Tin Kính của Các Tông Ðồ". Kinh này thông thường được chia thành 12 điều, --- theo con số 12 tông đồ --- và nói về Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hóa và là Nguyên Lý của tất cả mọi sự; về Chúa Kitô và về công cuộc cứu chuộc, cho đến việc kẻ chết sống lại và sự sống đời đời. Nhưng trong căn bản của nó, Kinh Tin Kính gồm có ba phần chính, và theo lịch sử của nó, Kinh Tin Kính không là gì khác hơn là sự quảng diễn rộng ra công thức tuyên xưng đức tin lúc lãnh nhận bí tích rửa tội, mà Chúa Phục sinh đã trao cho các môn đệ để phục vụ cho mọi thời đại, khi Chúa nói với các ngài như sau: "Chúng con hãy ra đi và dạy dỗ tất cả mọi dân nước, rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mt 28,19).

Trong cái nhìn nói trên, được chứng tỏ hai điều: đức tin là điều đơn sơ. Chúng ta tin vào Thiên Chúa --- tin Thiên Chúa, Ðấng là nguyên thủy và là cùng đích của con người. Tin vào Thiên Chúa, Ðấng bước vào trong tương quan với chúng ta, Ðấng là khởi nguyên, là tương lai. Như thế, đức tin, đồng thời và luôn là hy vọng; đức tin là sự chắc chắn rằng chúng ta có một tương lai và sẽ không bị rơi vào hư vô. Và đức tin là tình thương, bởi vì tình thương của Thiên Chúa muốn "được truyền sang" cho chúng ta.

Và điểm thứ hai của đức tin cũng rõ ràng như sau: Kinh Tin Kính không phải là toàn bộ những câu quả quyết, không phải là một lý thuyết. Nhưng được ăn rễ vào biến cố của Bí Tích Rửa Tội, là cuộc gặp gỡ đích thật giữa Thiên Chúa và con người. Trong mầu nhiệm của Bí Tích Rửa Tội, Thiên Chúa cúi mình xuống để gặp con người; Thiên Chúa đến gần chúng ta và như thế làm cho chúng ta được gần nhau hơn. Bí Tích Rửa Tội nói lên ý nghĩa rằng Chúa Giêsu Kitô chấp nhận chúng ta như là những anh chị em với Người, và như vậy tiếp đón chúng ta như là những người con nam nữ trong đại gia đình của Thiên Chúa. Bằng cách này, Chúa làm cho tất cả chúng ta trở nên một đại gia đình trong sự hiệp thông phổ quát của Giáo Hội. Phải, ai tin Chúa thì không bao giờ cô đơn. Thiên Chúa đến gặp chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta hãy bước ra để gặp Thiên Chúa và gặp nhau! Trong mức độ có thể, chúng ta đừng để bất cứ người con nào của Thiên Chúa phải cô đơn.

Chúng ta tin vào Thiên Chúa. Ðây là quyết định căn bản của chúng ta. Nhưng thử hỏi, ngày nay còn có thể làm được như vặy nữa hay không? Ðức tin có phải là điều hợp lý hay không? Từ thời đại Ánh sáng trở đi, khoa học, ít là một phần của nó, đã cố gắng đi tìm một giải thích về thế giới, mà trong đó Thiên Chúa không còn cần thiết nữa. Và nếu quả đúng như vậy, thì có lẽ Ngài trở thành vô tích sự trong đời sống chúng ta. Và cứ mỗi lần cố gắng loại bỏ Thiên Chúa, xem ra như sắp thành công, thì không thể nào tránh được rằng còn thiếu một cái gì đó. Khi Thiên Chúa bị loại bỏ đi, thì không có gì thêm cho con người, cho thế giới,và cho toàn thể vũ trụ bao la. Cuối cùng chỉ còn lại câu hỏi này: thử hỏi điều gì hiện hữu ngay từ đầu? Lý Trí Sáng Tạo, Thần Trí, tác động trong tất cả và khơi dậy sự phát triển, hay là Cái Vô Lý, cái có không có ý nghĩa gì, lại tạo ra một vũ trụ có trật tự như trật tự toán học, và cả tạo ra con người và lý trí con người. Nhưng nếu mà xảy ra như vặy, thì trật tự có lẽ chỉ là kết quả của sự ngẫu nhiên trong tiến trình tiến hóa, và do đó, cũng là một điều vô lý. Chúng ta những người kitô, chúng ta nói: Tôi Tin Thiên Chúa là Cha, Ðấng tạo thành trời đất... Tôi tin Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo. Chúng ta tin rằng từ khởi nguyên đã có Ngôi Lời hằng hữu, là Thần Trí chớ không phải sự Phi lý. Với Ðức tin như vậy, chúng ta không cần phải ẩn mình, chúng ta không phải sợ đi vào ngõ cụt. Chúng ta vui mừng vì có thể biết được Thiên Chúa! Và chúng ta cố gắng chứng minh cho kẻ khác biết cái lý của Ðức Tin, như thánh Phêrô đã khuyến khích chúng ta làm như vậy , trong thư Phêrô chương 3, câu 15.

Chúng ta tin vào Thiên Chúa. Những phần chính của Kinh Tin Kính quả quyết điều nầy; và phần thứ nhất của Kinh nhấn mạnh điều nầy. Và giờ đây, tiếp liền câu hỏi thứ hai: thử hỏi Tin vào Thiên Chúa nào đây? Chắc Rằng chúng ta tin vào Thiên Chúa là Thánh Thần sáng tạo, là Lý Trí Sáng Tạo. Tất cả mọi sự đến từ Ngài; và tất cả chúng ta đến từ Ngài. Phần thứ hai của kinh Tin Kính nói cho chúng ta biết nhiều hơn nữa. Lý Trí Sáng Tạo này là Sự Tốt Lành, là Tình Thương. Lý Trí sáng tạo này có một dung mạo cụ thể. Thiên Chúa không để chúng ta mò mẫm trong u tối. Ngài mạc khải cho chúng ta thấy Ngài như con người. Ngài hết sức cao cả, đến độ có thể làm cho mình trở thành hết sức nhỏ hèn. Chúa Giêsu đã nói: "Ai thấy Ta, là thấy Thiên Chúa Cha". (Gn 14,9). Thiên Chúa đã nhận lấy một dung mạo con người. Ngài yêu thương chúng ta cho đến mức độ chấp nhận chịu đóng đinh trên Thập Giá, để mang những đau khổ của nhân loại cho đến tận con tim của Thiên Chúa. Ngày nay, khi mà chúng ta biết được những dấu hiệu bệnh hoạn, những căn bệnh làm cho tôn giáo và lý trí phải chết, biết được những hủy diệt hình ảnh Thiên Chúa do bởi hận thù và cuồng tín, thì điều quan trọng là phải nói ra rõ ràng chúng ta tin vào Thiên Chúa nào, và rằng chúng ta phải xác tín tuyên xưng Thiên Chúa có dung mạo con người. Chỉ điều này mới giải thoát chúng ta ra khỏi sự lo sợ trước nhan Thiên Chúa. Sự lo sợ này là tâm tình mà từ đó phát sinh chủ thuyết vô thần ngày nay. Chỉ Thiên Chúa mới cứu chúng ta ra khỏi cái sợ của thế gian và khỏi sự lo âu trước cái trống rỗng của cuộc sống mình. Chỉ khi nhìn vào Chúa Giêsu Kitô, thì niềm vui của chúng ta trong Thiên Chúa mới đạt đến sự trọn đầy, mới trở nên niềm vui đã được cứu rỗi. Trong cử hành long trọng Bí Tích Thành Thể, chúng ta hãy nhìn về Chúa và xin Chúa ban cho chúng ta niềm vui lớn mà Chúa đã Hứa cho các môn đệ ngài. (Gn 16,24).

Phần thứ hai của Kinh Tin Kính kết thúc với viễn cảnh Phán Xét cuối cùng, và phần thứ ba kết thúc với viễn cảnh sự sống lại từ cõi chết. Sự Phán Xét, phải chăng việc này làm cho chúng ta lo sợ? Nhưng, thử hỏi tất cả chúng ta không muốn rằng vào một ngày nào đó, sự công chính cần được trả lại cho tất cả những ai bị kết án bất công, cho những ai phải chịu đau khổ trong suốt cuộc sống, hay sao? Thử hỏi chúng ta không muốn cho phần bất công và đau khổ quá mức kia, --- mà chúng ta nhìn thấy trong lịch sử, --- cuối cùng được phá tan, và rằng tất cả mọi người cuối cùng có thể được vui mừng, và rằng tất cả đều có ý nghĩa, hay sao? Sự chiến thắng của công bằng, việc ráp lại cho trọn vẹn biết bao phần lịch sử xem ra như không có ý nghĩa, sao cho tất cả được hòa nhập lại trong một tổng hợp, trong đó sự thật và tình thương được thống trị, tất cả những việc trên đều có nghĩa như là Sự Phán Xét Chung. Ðức Tin không muốn làm cho chúng ta lo sợ, nhưng đúng hơn muốn kêu gọi chúng ta hãy có trách nhiệm. Chúng ta đừng uổng phí đời sống mình, và cũng đừng lạm dụng nó; chúng ta cũng không được giữ nó lại cho riêng mình; chúng ta không nên sống vô tâm trước những bất công, đến độ trở thành kẻ chiều theo hoặc đồng lõa. Chúng ta cần nhận thức về sứ mạng của chúng ta trong lịch sử và cố gắng đáp lại sứ mạng đó. Không phải lo sợ , nhưng lãnh lấy trách nhiệm; lãnh lấy trách nhiệm và quan tâm đến phần rỗi chúng ta và sự cứu rỗi toàn thế giới, đó là những điều cần thiết. Tuy nhiên, khi trách nhiệm và quan tâm có khynh hướng trở thành lo sợ, thì lúc đó chúng ta hãy nhớ lại những lời của thánh Gioan như sau: "Hỡi những người con tinh thần của tôi, tôi viết những điều này cho anh em, để anh em đừng phạm tội; nhưng nếu có ai rủi phạm tội, thì chúng ta có một trạng sư nơi Chúa Cha, là Chúa Giêsu Kitô, người công chính". (1 Gn 2,1) "Bất cứ tâm hồn ta có quở trách điều gì, nhưng Thiên Chúa thì cao cả hơn tâm hồn ta, và Ngài biết rõ mọi sự". (1Gn 3,20).

Ngày hôm nay, chúng ta mừng lễ kính Thánh Danh Mẹ Maria. Với tất cả những ai có tên gọi là Maria --- Mẹ và Chị của tôi cũng mang tên Maria --- tôi muốn gởi lời chúc mừng lễ đến tất cả. Mẹ Maria, Mẹ của Chúa, đã lãnh nhận từ dân Chúa danh hiệu là Vị Trạng Sư, vì Mẹ là vị Trang Sư của chúng ta trước nhan Chúa. Ngay từ biến cố Cana, chúng ta đã biết Mẹ như là người nữ tốt lành nhân hậu, đầy quan tâm chăm sóc hiền mẫu, đầy tình yêu thương, như là người nữ để ý đến những nhu cầu của kẻ khác và, để trợ giúp cho họ, thì Mẹ mang những nhu cầu đó lên trước nhan Chúa. Hôm nay, chúng ta đã nghe trong đoạn Phúc âm, việc Chúa trao Mẹ làm Mẹ của người môn đệ Chúa thương, và qua môn đệ này, làm Mẹ tất cả chúng ta. Trong mọi thời đại, những người kitô lắng nghe, với lòng biết ơn, chúc thư này của Chúa Giêsu. Gần bên Mẹ, những người kitô luôn gặp được sự an toàn và niềm hy vọng đầy tin tưởng, làm cho chúng ta vui mừng lên trong Chúa. Chúng ta cũng hãy nhận Mẹ làm ngôi sao hướng dẫn đời sống chúng ta, ngôi sao dẫn đưa chúng ta vào trong Ðại Gia Ðình của Thiên Chúa. Phải, ai tin Chúa, thì không bao giờ cô đơn. Amen.

 

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

Theo Radio Veritas

Tiếp theo

 

 

 

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

THƯ MỤC VỤ NĂM 2006: SỐNG ĐẠO HÔM NAY




Kính gởi : Anh em linh mục, chủng sinh,


anh chị em tu sĩ và giáo dân.





LỜI MỞ



 

Anh chị em thân mến,


1. Chúng tôi, Hồng y, Tổng giám mục, Giám mục quy tụ tại Trung tâm Mục vụ thuộc tổng giáo phận Huế, để tham dự hội nghị thường niên, dưới sự phù trợ của Đức Mẹ La Vang, từ ngày 04 đến ngày 08 thánh 09 năm 2006, xin gởi đến tất cả anh chị em lời chào thân ái và lời chúc bình an của Chúa Kitô.


Qua Thư Mục Vụ năm 2004, chúng ta đã chiêm ngắm, suy tôn và sống mầu nhiệm Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu” (LG 11). Tiếp theo, Thư Mục Vụ năm 2005 mời gọi chúng ta lắng nghe, suy niệm và sống lời Chúa. Và Thư Mục Vụ năm 2006 này chọn chủ đề sống đạo hôm nay để mời gọi mỗi người sống niềm tin bằng những hành động cụ thể, như thánh Giacôbê Tông đồ viết : “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Quả thực, đời sống đạo vừa cần gắn bó với Thiên Chúa, vừa phải đi đến với anh em, như Chúa Giêsu, Ngôi lời nhập thể và nhập thế đã nêu gương cho chúng ta.


Dưới ánh sáng của Lời Chúa, với sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng tôi mời gọi anh em nhìn lại nền tảng việc sống đạo; từ đó, đề ra những định hướng mục vụ cho mọi thành phần Dân Chúa trong xã hội Việt Nam hôm nay.


I. NỀN TẢNG VIỆC SỐNG ĐẠO


2. Sống quy chiếu vào đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi


Theo thánh Phaolô, Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, được dìm vào trong nước thanh tẩy, tượng trưng cho việc dìm vào trong cái chết của Chúa Giêsu, thì cũng như Người đã từ cõi chết sống lại nhờ quyền năng vinh hiển của Thiên Chúa Cha, họ cũng được sống một đời sống mới (x. Rm 6,3-4).

Đó là đời sống có Thiên Chúa, suối nguồn tình yêu : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chính nhờ tình yêu này, con người có thể nhận ra dung mạo đích thực của Thiên Chúa và hân hoan tìm đến với Ngài.

Đó cũng là đời sống đến từ Chúa Giêsu, quà tặng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân lọai. Là con yêu dấu của Thiên Chúa “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá” (Pl 2,8) để giao hòa thế gian tội lỗi với Thiên Chúa và làm cho nhân loại trở nên con người mới, con người biết “nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37) để nhận lấy ơn cứu độ.


Đó cũng còn là đời sống năng động trong Chúa Thánh Thần, năng lực tình yêu. Nhờ Chúa Thánh Thần, Kitô hữu thông hiệp vào mầu nhiệm Tử Nạn - Phục Sinh của Chúa Giêsu để can đảm bước theo con đường của Thầy chí thánh và sống theo gương Người.


3. Sống ơn gọi nên thánh


Vinh dự được làm con Thiên Chúa đòi buộc Kitô hữu phải lớn lên mỗi ngày trong tình yêu của Ngài, trưởng thành hơn trong niềm tin cậy mến và nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, hiện thân của Tình Yêu. Nói cách khác, Kitô hữu được mời gọi để trở nên hoàn hảo và thánh thiện, như Chúa Giêsu đã dạy : “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).


Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế “Ánh sáng muôn dân” cũng xác nhận lại đòi hỏi đó : “Mọi Kitô hữu đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành” (LG 11,3). “Vì thế, tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và sự trọn lành của Đức Ái” (LG 40,2).


4. Sống sứ mạng chứng nhân


Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã cũng cố niềm tin của các tông đồ, mở trí cho các ngài hiểu Thánh Kinh và trao cho các ngài sứ mạng ra đi rao giảng cho muôn dân, kêu gọi thống hối để được ơn tha tội. Người khẳng định : “chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48).


Từ đó, sống chứng nhân là cách thế biểu thị sống động nhất về sức mạnh yêu thương cứu độ của Thiên Chúa, cũng như Chúa Giêsu đã đến trần gian không để tìm vinh quang cho chính mình, nhưng là để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu độ con người, Kitô hữu bước theo Chúa Giêsu để được Tin Mừng của Người biến đổi, và qua đó họ trở nên những người đem Tin Mừng cho thế giới này.


Nếu trong đời sống Kitô hữu, Chúa Giêsu thực sự là điểm quy chiếu và là chuẩn mực giúp nhận định giá trị các hành vi, thì sự hiện diện tích cực qua việc sống đạo của Kitô hữu trong xã hội sẽ trở thành lời chứng về những giá trị căn bản của Tin Mừng và trở nên dấu chỉ của niềm hạnh phúc Nước Trời.


 

II. ĐỊNH HƯỚNG VIỆC SỐNG ĐẠO


Nền tảng việc sống đạo thật sâu xa, nhưng thể hiện đời sống ấy như thế nào lại là cả một công trình cần phải xây dựng từng ngày, qua việc nổ lực huấn luyện đức tin và thực hành các nhân đức, qua việc chuyên chăm cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các bí tích. Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam đang bước vào tiến trình toàn cầu hóa, vốn đem lại những tác động tích cực, nhưng cũng đặt ra những thách đố mới cho cả đời lẫn đạo, chúng tôi nêu lên một vài định hướng mục vụ cho việc sống đạo hôm nay.


5. Canh tân bản thân


Con người vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của hoàn cảnh xã hội. Nếu hoàn cảnh xã hội nhào nặn ra những con người, thì con người mới cũng sẽ dần dần tác động làm nên những hoàn cảnh mới. Trước những thay đổi hiện thời của xã hội làm ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ và lối sống của nhiều người, nhất là người trẻ, chúng tôi đề nghị một lộ trình sống đạo khởi đi từ việc đổi mới bản thân.

Điểm căn bản trong việc xây dựng con người mới này là làm sao để bản thân mỗi người ý thức và sống đúng phẩm giá của mình; bởi lẽ phẩm giá con người là quà tặng do Thiên Chúa ban. Nhận ra phẩm giá của mình chính là khởi đầu cho việc thánh hóa bản thân.


Ngoài ra, mỗi người cũng cần được huấn luyện để có một lương tâm ngay chính. Thật vậy, một trong những điều cấp thiết người Công giáo phải nêu gương là tìm hiểu giá trị của lương tâm và thực hành theo tiếng nói lương tâm của mình. Trong hiến chế “Giáo Hội trong thế giới ngày nay”, Công Đồng Vaticanô II đã viết : “Lương tâm làm cho con người nhận biết một cách tuyệt vời luật mến Chúa, yêu người. Trung thành với lương tâm, các Kitô hữu phải liên kết với những người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng nhưng trong giao tiếp xã hội” (GS 16).


Trong xã hội hiện nay, đôi khi nhu cầu sinh sống và phát triển đã kéo theo những hệ lụy làm cho lương tâm con người bị sai lệch hoặc bị mất phương hướng, mỗi kitô hữu cần nêu gương học hỏi và thể hiện lương tâm ngay chính tại gia đình cũng như giữa nơi mình sống.


6. Dấn thân phục vụ


Con người mới theo gương Chúa Giêsu phải là con người dấn thân phục vụ. Nếu việc phục vụ tha nhân có thể giúp cho người khác nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Kitô hữu, thì chính việc phục vụ đó cũng có thể giúp Kitô hữu cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa cách rõ nét hơn. Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã khẳng định về tác động hổ tương cần thiết này giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với con người. Chính khi dấn thân phục vụ anh em, chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa một cách dễ dàng hơn. Ngài viết : “chỉ có việc phục vụ tha nhân mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Ngài đã yêu tôi như thế nào” (Tđ. Thiên Chúa là Tình Yêu, số 18).


Như thế, dấn thân phục vụ con người là đòi hỏi tất yếu của đức tin Kitô giáo. Đời sống đạo luôn luôn phải được đặt trên nền tảng bác ái yêu thương, vì đây là điều răn quan trọng nhất (x. Mt 22, 37-39) và là dấu hiệu rõ ràng nhất khẳng định chúng ta thuộc về Chúa Giêsu : “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).


Đời sống bác ái có thể thực hành bằng nhiều cách, nhưng Thư Mục Vụ năm nay nhấn mạnh đặc biệt đến việc dấn thân phục vụ. Vì thế, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy phát huy tinh thần liên đới và yêu thương phục vụ Tin Mừng Chúa Giêsu, phục vụ sự sống và phẩm giá con người, đặc biệt những người nghèo khổ : nghèo kiến thức, nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo niềm hy vọng, nghèo hạnh phúc …


Khi dấn thân phục vụ những người này, Kitô hữu làm chứng một cách hùng hồn về tính khả thi của lời mời gọi Phúc Âm và hiệu quả của ơn cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô : con người được cứu chuộc đã bước ra khỏi cái tôi của chính mình để phục vụ Chúa nơi những anh chị em bé nhỏ.


7. Góp phần xây dựng một xã hội công bằng


Lòng mến Chúa yêu người thoi thúc chúng ta góp phần xây dựng một xã hội trong đó con người có điều kiện để sống xứng với phẩm giá của mình. Bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nên mọi người có quyền được tôn trọng và phát huy những khả năng Chúa ban để phục vụ xã hội một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, bởi vì con người là anh em của nhau, được tác tạo do quyền năng của Thiên Chúa và là đối tượng của ơn cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô, nên mỗi người cần được đối xử với lòng kính trọng và yêu thương chân thành như là mục đích của sự phát triển toàn diện, để họ không bao giờ bị biến thành phương tiện cho sự phát triển kinh tế, cho sự thăng tiến xã hội của bất kỳ tổ chức hay thế lực nào.

Để xây dựng một xã hội công bằng, ngoài việc giáo dục để biết tôn trọng những quyền căn bản của con người, cũng cần có một đường lối thích hợp bảo đảm thực hiện được quyền này. Công việc này đòi hỏi sự đóng góp từ nhiều phía. Là Kitô hữu, được mời gọi để trở thành ánh sáng cho thế gian, muối cho đời, men trong bột, chúng ta hãy tập trung xây dựng một cộng đoàn trong đó mọi thành phần đều được yêu thương và được đối xử công bằng.


Sự công bằng cần phải đi đôi với lòng tôn trọng sự thật, vì tôn trọng sự thật là điều kiện để xây dựng một cộng đoàn yêu thương. Chúng tôi tin chắc rằng gương sáng phát xuất từ cộng đoàn của những người con cái Chúa sẽ có ảnh hưởng tích cực trong xã hội chúng ta.



 

III. TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI VIỆC SỐNG ĐẠO



 

8. Vai trò của linh mục và tu sĩ


Đến đây, chúng tôi muốn ngõ lời đặc biệt với các linh mục và các tu sĩ nam nữ, vì anh chị em chính là những nhân tố tích cực và quan trọng trong việc triển khai Thư Mục Vụ này.


Anh chị em là những người chọn Chúa làm gia nghiệp, và tự nguyện hiến dâng cả cuộc đời mình để phục vụ Thiên Chúa và con người, nhất là những người bé nhỏ trong xã hội. Sự dấn thân này được thể hiện cả trong đời sống chiêm niệm lẫn trong hoạt động tông đồ.


Việc sống đạo trong lòng xã hội hôm nay cần đến gương sáng và lời cầu nguyện của anh chị em. Tuy rằng việc tham gia vào những công tác từ thiện xã hội của anh chị em còn gặp rất nhiều hạn chế, nhưng nơi nào có sự hiện diện của anh chị em, đức tin và đức ái Kitô giáo được cảm nhận một cách rõ nét. Vì thế, chúng tôi kêu gọi anh chị em hãy nổ lực và kiên trì dấn thân, để vừa xoa dịu nỗi khổ đau của anh chị em đồng loại, vừa làm cho Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong lòng xã hội chúng ta đang sống.


9. Vai trò của giáo xứ

 

Vai trò của giáo xứ trong việc giáo dục đức tin đã được chứng minh qua lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Vì thế, chúng tôi kêu gọi các giáo xứ hãy chăm lo tổ chức những sinh hoạt giáo dục theo từng lứa tuổi, nhằm giúp cho mọi thành phần dân Chúa, cách riêng là giới trẻ, phát huy được những giá trị Kitô giáo trong đời thường. Hơn nữa, dưới sự điều hành của các vị chủ chăn, với sự cộng tác của các thành phần trong gia đình giáo xứ, và với sự hổ trợ của các hoạt động tông đồ cũng như các hình thức Công giáo tiến hành, giáo xứ sẽ trở thành môi trường thuận lợi thúc đẩy cộng đoàn Dân Chúa thể hiện những giá trị Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội trong cuộc sống xã hội và mọi sinh hoạt nghề nghiệp.


Trong hoàn cảnh xã hội ngày nay với những biến chuyển mới, bên cạnh những hoạt động mục vụ thông thường, cộng đoàn giáo xứ cần quan tâm đến những lĩnh vực mục vụ mới như chăm lo cho anh chị em di dân, cho những nạn nhân của các tệ nạn xã hội, những người bơ vơ hoặc bị bỏ rơi. Chính lòng yêu thương phục vụ chăm lo cho những anh chị em này làm vang lên tại mỗi địa phương sứ điệp đại đồng của Tin Mừng Chúa Kitô.


10. Vai trò của gia đình


Để có được lối sống thấm đượm tinh thần Tin Mừng nói trên, chúng tôi xác tín rằng gia đình Kitô giáo nắm giữ một vai trò không thể thay thế. Thực vậy, gia đình chính là mái trường đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giáo dục những đức tính nhân bản cũng như lòng đạo cho con người. Với tư cách là tế bào căn bản của xã hội và Giáo Hội, gia đình hãy quan tâm xây dựng và duy trì những giá trị vô cùng cao quí của đời sống hôn nhân và gia đình Công giáo. Làm được như thế chính là góp phần tích cực vào sự phát triển vững bền của xã hội cũng như Giáo Hội.


Khi trung thành cầu nguyện chung với nhau, thánh hóa ngày Chúa nhật, duy trì bầu khí trên thuận dưới hòa, nhường nhịn lẫn nhau giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, gia đình anh chị em sẽ trở nên chứng từ hùng hồn cho đạo thánh Chúa. Khi vợ chồng vượt lên mọi thử thách, sống trung tín và chung thủy sắt son như lời cam kết ngày cử hành hôn lễ, gia đình anh chị em đã góp phần kiến tạo nền “văn minh tình thương” và “văn hóa sự sống” cho đất nước của mình.


Trong tư cách Kitô hữu sống đạo, anh chị em hãy cương quyết không để cho “văn hóa sự chết” lôi cuốn mình, không chấp nhận những hình thức xúc phạm đến sự sống và phẩm giá con người, nhất là can đảm nói “không” với tệ nạn phá thai và li dị vốn là những tệ nạn luôn luôn để lại hậu quả bi thảm cho gia đình cũng như cho xã hội và Giáo Hội.



 

LỜI KẾT


11. Anh chị em thân mến,


Trách nhiệm sống đạo hôm nay thật quan trọng, liên quan đến mọi thành phần Dân Chúa, nhưng cũng như là trách nhiệm làm nên phẩm giá của đời tín hữu. Thánh Lêô Cả Giáo hoàng, trong một bài giảng lễ Giáng Sinh đã kêu gọi : “Hỡi các Kitô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của mình” (Bài đọc 2, Kinh Sách, Lễ Giáng Sinh).

Phẩm giá đó là được làm con của Cha trên trời, được cứu chuộc bằng máu của Chúa Giêsu và được trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần. Phẩm giá đó được thể hiện rõ nét nhờ nỗ lực nên thánh và trở thành chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa.


Sống trong đất nước đang có nhiều thay đổi và thách đố, chúng ta được mời gọi sống đức tin cách trưởng thành hơn để có thể dấn thân phục vụ tha nhân cách mới mẻ hơn và góp phần tích cực hơn trong công cuộc xây dựng con người mới.


Dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria La Vang, Thánh Cả Giuse, các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta hãy sống đạo hôm nay theo tinh thần Phúc Âm, để làm vinh danh Thiên Chúa và góp phần xây dựng hạnh phúc cho mọi người.


Hiệp thông cùng anh chị em trong tâm tình cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa.


Huế, ngày 8 tháng 9 năm 2006




 

Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria



 


+ Giuse Ngô Quang Kiệt

Phó Tổng Thư Ký HĐGM Việt Nam


(đã ký)



+ Phaolô Nguyễn Văn Hoà

Chủ tịch HĐGMVN



(đã ký)

HĐGM Việt Nam

Tiếp theo

 

Thánh lễ làm phép viên đá xây dựng và tu sửa Ðại Chủng Viện Thánh Giuse cơ sở II tại Xuân Lộc và Tòa Giám Mục Xuân Lộc.

 

Tin Xuân Lộc, Việt Nam - (26/08/2006) - Ngày 26-8-2006, Ðức cha Ðaminh Nguyễn Chu Trinh đã chủ sự thánh lễ làm phép viên đá xây dựng và tu sửa Ðại chủng viện Thánh Giuse cơ sở II tại Xuân Lộc và Tòa Giám Mục Xuân Lộc. Ðồng tế với Ðức cha Xuân Lộc, có sự hiện diện của Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục giáo phận Ðà Lạt; Ðức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Hưng Hóa, Chủ tịch Ủy ban các Linh mục và Chủng sinh của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam; linh mục Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc Ðại chủng viện Thánh Giuse Saigòn, và các linh mục đặc trách các chủng sinh của các giáo phận liên hệ; các linh mục Tổng đại diện của các Giáo phận: Saigòn, Bà Rịa, Mỹ Tho, Xuân Lộc.

Trong bài giảng của Ðức cha Ðaminh Nguyễn Chu Trinh nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc đào tạo các linh mục, chủng sinh, tu sĩ và giáo dân. Cơ sở sắp xây dựng nhằm mục đích đó. Ngài nhấn mạnh: "Việc thành lập Ðại chủng viện này là việc rất quan trọng đối với tương lai của Giáo phận và của cả Giáo hội. Bởi vì toàn thể giáo phận, các giáo xứ, giáo họ, dòng tu trong giáo phận có tiến bước hay thụt lùi về phương diện tôn giáo cũng như về phương diện xã hội, phần lớn tùy thuộc vào hàng giáo sĩ. Mà tương lai của hàng giáo sĩ lại liên kết chặt chẽ với công tác đào tạo chủng sinh. Chính vì thế, các nhà tu đức cho rằng mối quan tâm hàng đầu của các giám mục phải là công tác đào tạo chủng sinh: chủng sinh là con ngươi của giám mục".

Từ năm 1988, Ðại chủng viện Thánh Giuse tại Saigòn đào tạo các chủng sinh cho 6 giáo phận: Saigòn, Mỹ Tho, Phú Cường, Xuân Lộc, Phan Thiết, Ðà Lạt. Nhưng vì số chủng sinh của các giáo phận thì nhiều, trong khi cơ sở lại chật hẹp, nên Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã xin Chính phủ cho thành lập Cơ sở II của Ðại chủng viện Thánh Giuse đặt tại Xuân Lộc.

Với quyết định 7237/VPCP-NC ngày 14-12-2005 và 28/TGCP-CG ngày 23-1-2006, Chính phủ đã chấp thuận cho mở Ðại chủng viện Thánh Giuse cơ sở II tại Xuân Lộc.

Với quyết định 751/UBND-VX ngày 9-2-2006, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Ðồng Nai chấp thuận cho Tòa Giám Mục Xuân Lộc được tu sửa và xây dựng Tòa Giám Mục, để làm nơi sinh hoạt cho Ðại chủng viện Cơ sở II và cho các khóa huấn luyện của giáo phận. Cơ sở mới sẽ đủ chỗ để đào tạo chủng sinh cho 4 giáo phận: Xuân Lộc, Phan Thiết, Ðà Lạt, và Bà Rịa (mới được tách ra từ giáo phận Xuân Lộc ngày 5-12-2005). Cơ sở cũ trước đây được thiết kế cho Tiểu chủng viện, với số lượng ít, và đã xuống cấp, không thích hợp cho sinh hoạt Ðại chủng viện.

 

Nguyễn Hà

Tiếp theo

Text Box: TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

TỪ NỮ THẦN ĐẾN NỮ QUYỀN

TRONG TIỂU THUYẾT  “MẬT MÃ DA VINCI”

 

 Tác giả Dan Brown tuyên bố, “Mật Mã Da Vinci chỉ là cuốn tiểu thuyết!”, Đã hẳn, tiểu thuyết là chuyện hư cấu nhưng bên kia những hư cấu, ai chẳng biết tác giả muốn gửi gắm những hậu ý xa gần. Ở đây Dan Brown như muốn đứng ngoài niềm tin để “soi sáng” cho các Kitô hữu về đức tin Công Giáo và muốn đứng trên Giáo Hội bẻ dòng lịch sử của Giáo Hội. Nếu từ góc nhìn của những người không tin nói về nội dung đức tin sẽ chẳng có gì đáng nói. Nhưng nếu Dan Brown chỉ có đôi ba tài liệu mảnh vụn và một ít văn bản cổ thời giả lịch sử, đem vá đụp ngụy tạo cả lịch sử Giáo Hội, một lịch sử gắn liền với đức tin của các Kitô hữu, anh có thể bất công gây ra những ngộ nhận đáng tiếc. Chẳng hạn Dan Brown hay trưng dẫn The Templar Revelation và Holy Blood, Holy Grail (xb.1982) và coi như “tài liệu lịch sử” chìa khoá cho Mật Mã Da Vinci, làm lối dẫn nhập vào tác phẩm khuôn mặt của nữ thần Maria Mađalêna, dẫn sang lý thuyết về nữ quyền và dẫn tới phong cách phóng khoáng, lãng mạn của nhân vật Giêsu và một nề nếp “ngục tu” của Giáo Hội. Trong một khuôn khổ bé nhỏ, chúng ta nhận mặt nữ thần Maria Mađalêna trong Mật Mã Da Vinci và tìm hiểu thánh nữ Maria Mađalêna trong Tin Mừng, trong lịch sử Giáo Hội. Cuối cùng là một thoáng nhìn chủ thuyết nữ quyền của Dan Brown dưới ánh sáng của Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo Hội, đặc biệt Tông Thư Dignitatem Mulieris của Đức Gioan Phaolô II.

 I. ‘NỮ THẦN MARIA MAĐALÊNA’ VÀ NHỮNG TÀI LIỆU SỬ DỤNG TRONG MẬT MÃ DA VINCI

 A. Sự thực về tài liệu “Holy Blood, Holy Grail”

 Dan Brown dựa vào tài liệu “Holy Blood, Holy Grail” xuất bản năm 1982 để viết về nữ thần Maria Mađalêna, về Hội Kín The Priory of Sion. Tác giả của “Holy Blood, Holy Grail lại dựa vào tài liệu của Plantard, một người Pháp dị ứng với dân Đông Á từng ngồi tù năm 1953 về tội buôn lậu. Năm 1954 Plantard và ba người khác bắt đầu thành lập một câu lạc bộ xã hội nho nhỏ mang tên một ngọn núi gần đó, Priory of Sion. Câu lạc bộ được thành lập để kêu gọi xây thêm nhiều nhà giá rẻ tại Pháp. Câu lạc bộ này đã biến mất năm 1957 nhưng Plantard vẫn còn giữ tên nó.

 Suốt thập niên 1960 và 1970 Plantard đã tạo ra một loạt tài liệu chứng minh một dòng huyết tộc vẫn tồn tại từ Maria Mađalêna xuống tới con cháu hôm nay nhờ những vị vua của nước Pháp. Trong số đó có có Pierre Plantard. Họ bắt đầu sử dựng tên Pierre Plantard de Saint Clair và nói Saint Clair là con cháu dòng trực hệ của cặp vợ chồng Giêsu- Maria Mađalêna.

Năm 1933, tên của Plantard đã bị lộ tẩy trong một vụ xì căn đan chính trị dính líu tới một người bạn thân của vị Tổng Thống Pháp, Francois Mitterand. Ở một trong những danh sách các tài liệu của Plantard về Priory of Sion, ông có ghi tên Roger Patrice Pelat như một vị Thày Lớn. Khi bị gọi ra làm chứng trước tòa, Plantard bằng một lời thề, thừa nhận chính mình đã tạo ra toàn bộ kế hoạch Priory. Toà ra lệnh truy tìm nơi ở của Plantard. Chính căn nhà này đã để lộ những tài liệu khác công bố Plantard là ông vua đích thực của nước Pháp. Quan toà đã nghiêm khắc cảnh cáo Plantard và thả về vì ông là một gã khật khùng vô hại (Tổng hợp theo James L. Carlon, Peter Jones trong Cracking Da Vinci’s Code, Xb. 2004). Nếu quan toà hồi ấy biết được mức tác động rộng dài trong cuộc lừa đảo của Plantard, hẳn ông sẽ truyền huỷ bỏ những tài liệu Plantard đã đẻ ra. Thật đáng tiếc cuộc lừa đảo của Plantard đã bị Dan Brown lợi dụng đua hàng triệu độc giả sa vào mớ ‘tài liệu lịch sử’ quỉ quái của ông. Như thế nàng Mađalêna hoang đường của anh chàng khật khùng Plantard trong Holy Blood, Holy Grail đã biến thành Nữ Thần Maria Mađalêna, người phụ nữ ‘trâm anh thế phiệt’ của Mật Mã Da Vinci. và chuyện lường gạt trong Holy Blood, Holy Grail đã được tả như thật trong Mật Mã Da Vinci:

 Chuyện đời của Maria Mađalêna kể vắn từ tiểu thuyết Mật Mã Da Vinci: nàng là dân Do Thái thuộc bộ tộc Benjamin, là vợ của Đức Giêsu và sinh được người con gái là Sarah. Đức Giêsu muốn trao Giáo Hội trong tay nàng. Bụng dạ nàng chính là “Chén Thánh (Holy Grail)” gìn giữ lấy giọt máu, cốt cách của Đức Giêsu. Hài cốt của nàng vẫn còn bên dưới lối vào của toà nhà kim tự tháp bằng kiếng thuộc viện bảo tàng Louvre. Hội kín The Priory of Sion và Knights Templar tình nguyện bảo vệ chuyện đời và các di tích của nàng. Priory đã tôn thờ nàng như “Nữ Thần” và như “Người Mẹ Thần Thánh” của họ.

 “Sử gia” Teabing của Mật Mã Da Vinci kể, “Theo Hội Kín Priory, Maria Mađalêna mang thai vào thời điểm Chúa bị đóng đinh. Vì muốn giữ an toàn cho đứa con chưa chào đời của Đức Kitô, nàng không còn chọn lựa nào khác hơn là trốn khỏi Đất Thánh. Được người cậu đáng tín nhiệm của Đức Giêsu là Giuse Arimathêa, bí mật đưa qua Pháp và được mọi người biết với tên gọi là Gaul. Tại đây Maria Mađalêna ẩn náu trong cộng đồng người Do Thái với con gái, Sarah.

 “Cuộc đời hai mẹ con đã được những người Do Thái bảo vệ và được ghi chép rất cặn kẽ. Đừng quên, đứa con của nàng thuộc dòng dõi các vua chúa Do Thái, Đavid và Salomon. Do đó dân Do Thái ở Pháp đã coi Maria Mađalêna thuộc hoàng gia thánh thiêng và tôn kính nàng như tổ tiên của một dòng máu hoàng tộc...”

 B. Tài liệu của Margaret Starbird

 Margaret Starbird là tác giả của các tác phẩm The Templar Revelation; The Sacred Feminine; Maria Mađalêna, The Beloved; The Goddess in the Gospels, The Woman With The Alabaster Jar. Tác giả này chuyên sử dụng khoa số học biểu tượng (numerology), một ngành rất gần với bói toán và tử vi (?). Chẳng hiểu bà phù phép thế nào với những con số trong tên gọi và kết luận Maria Mađalêna được tôn kính như một nữ thần trong Kitô giáo thuở ban đầu:

 “Họ hiểu ‘thần học về con số’ trong thế giới Hy Lạp, những con số đã mã hoá trong Tân Ước dựa vào kinh bộ cũ của khoa số học thánh thiêng, bắt nguồn từ các môn đệ Pythagore vào những thế kỷ trước... Đó không phải ngẫu nhiên mà dung từ (epithet) của ‘Mary Magdelene’ đã mang những con số để những người có học biết của thời đại đó nhận ra nàng là “Nữ Thần trong các Tin Mừng”(trích từ sách Maria Mađalêna: ‘Người Được Yêu do tác giả Margaret Starbird (Tổng hợp theo James L. Carlon, Peter Jones trong Cracking Da Vinci’s Code, Xb. 2004 và De-Code Da Vinci của Amy Welborn. Xb. Our Sunday Visitor, Inc.)

 Theo lập luận của Dan Brown, các tín hữu thuở ban đầu đã tôn kính nữ thần Maria Mađalêna. Trong khi Giáo Hội luôn bôi lọ nàng là cô điếm, và phe phái của Phêrô luôn tìm cách khử trừ nàng. Về phương diện xã hội, lý giải này mâu thuẫn vì nếu các tín hữu ban đầu đã thờ nàng là nữ thần, tại sao họ không tỏ lộ và công khai hoá niềm tin của mình? Tại sao cứ ái ngại các môn đệ của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh Và sống Lại đang khi họ có thể tôn thờ Maria Mađalêna nếu thực sự họ muốn, vì chẳng ai lên tiếng đả kích họ trên bình diện xã hội, văn hoá hay chính trị. Và chẳng ai, chẳng thế lực nào bắt bớ, bỏ tù hay hành hình họ. Trong khi những Kitô hữu tin theo Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sống lại, từ người đứng đầu tới người tiếp bước luôn bị người ta bách hại, nhưng vẫn sống chết tin theo và tôn thờ Người. Nếu Dan Brown biết tới con số các tín hữu tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu, hẳn anh chẳng bất công, vô lý với những luận điệu ‘ngậm máu phun người ấy’. Nói cho cùng vì có sẵn đó ‘nữ thần’ Maria Mađalêna trong bài bói toán của Margaret Starbird (Tác giả của The Templar Revelation; The Sacred Feminine; Maria Mađalêna, The Beloved; The Goddess in the Gospels, The Woman With The Alabaster Jar), trong “tài liệu lịch sử” bệnh hoạn của gã Plantard (Tác giả của Holy Blood, Holy Grail) nên mới có được ‘nữ thần’ Maria Mađalêna trong hư cấu của Mật Mã Da Vinci.

 II. NỮ THÁNH MARIA MAĐLÊNA TRONG TIN MỪNG

  VÀ GIỮA GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG VÀ TÂY PHƯƠNG

 Rõ ràng Maria Mađalêna là nhận vật lịch sử. Nàng được Tin Mừng nhắc tên và cùng với nhiều phụ nữ khác, nàng lãnh nhận vai trò rất quan trọng trong cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Tin Mừng Luca kể: “Sau đó Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người có nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mađalêna. Người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Suzana và nhiều bà khác”(Lc 8, 1-3). Các phụ nữ này từ Galilêa được chọn để đi theo giúp đỡ Chúa Giêsu, chẳng hạn lo bữa ăn, lo tiền bạc. Ở cuối Tin Mừng này Maria Mađalêna được ghi nhận là nhân chứng cuộc Tử Nạn và an táng Chúa. Cũng chính nàng đã tới mồ thánh vào buổi sáng ngày phục sinh để xức xác Chúa. Tuy nhiên các Tin Mừng ghi nhận có nhiều bà Maria. Độc giả có thể lẫn lộn các bà Maria khác hoặc có thể kết hợp bà Maria được kể chỗ này với một Maria chỗ khác hay với một phụ nữ khác nữa được kể ở đâu đó.

 Chẳng hạn có hai câu truyện khác nhau về những phụ nữ xức dầu thơm trên chân Chúa Giêsu và lấy tóc lau. Trong Lc 7, 36-50, Chúa ngồi đối diện với “một phụ nữ là người tội lỗi”, người đã khóc lóc sám hối xức dầu và lau chân Chúa, rồi lấy tóc mà lau. Nàng xức dầu để ghi ơn lòng tha thứ của Chúa. Trong Ga 12, 1-8, Chúa Giêsu đang trên đường tới Giêrusalem, Người ghé thăm nhà Lazarô (người đã chết, được Chúa cho sống lại) và các cô chị, Maria và Macta. Maria xức dầu thơm trên chân Chúa và lấy tóc lau. Hành động này được coi như một tiền dung cho cuộc xức xác Chúa trong ngày an táng vài ngày sau đó.

 Còn bà Maria ở làng Bêtania, vì bà xức dầu thơm cho Chúa Giêsu trước khi vào Giêrusalem, một vài truyền thống đã nối kết bà với một phụ nữ xức dầu cho Chúa trong Luca 7 và với phụ nữ có tên Maria Mađalêna trong Luca 8, cả ba phụ nữ được kết hợp vào một.

 Vào cuối thế kỷ thứ hai, đầu thế kỷ ba ở Rôma, Thánh Hippôlitô đã diễn tả Maria Mađalêna như một Eva mới mà đức tin của bà đã đứng vững trước tội lỗi của Eva trong vườn Diệu Quang (hình ảnh này thường được áp dụng cho Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu). Ngài còn gọi Maria Mađalêna là “người tông đồ giữa các tông đồ”. Thánh Ambrôsiô và Augustinô, cả hai đã viết trễ hơn khoảng một thế kỷ, cũng nói về Maria Mađalêna như Eva mới. Như thế, những gì Dan Brown suy đoán về chuyện đời của Maria đều sai lạc. Với Giáo Hội Tây Phương, ngay từ thời Trung Cổ tới ngày cải cách lịch phụng vụ năm 1969 đã mừng lễ thánh Maria Mađalêna vào ngày 20 tháng 7 để kính nhớ cả ba nữ thánh từ mỗi câu chuyện Tin Mừng đó. Riêng Giáo Hội Chính Thống Đông Phương không nối kết ba vị thánh Maria này nhưng luôn phân biệt khuôn mặt mỗi nữ thánh. Giáo Hội Chính Thống rất tôn kính thánh nữ Maria Mađalêna và gọi người là ‘phụ nữ mang bình dầu thơm’ và người ‘tông đồ’. Như thế, khi Dan Brown nhắc đi nhắc lại truyền thống Kitô giáo đã đẩy Maria Mađalêna ra ngoài lề, coi nàng như quỷ ma, tô vẽ nàng ra một cô gái lăng loàng, một cô điếm, mong giảm bớt tầm quan trọng của người phụ nữ này là vô lý, vô bằng. Có thể nói Kitô giáo cả bên Đông, bên Tây đều tôn trọng Maria Mađalêna như một nữ thánh.

 III. VẤN ĐỀ NỮ QUYỀN TRONG GIÁO HỘI  VÀ TÀI LIỆU CỦA PHÁI NGỘ ĐẠO CUỐI THẾ KỶ THỨ HAI

 Thực tế các sách Tân Ước đã ra đời trước năm 70, còn các Tin Mừng Ngộ Đạo đào được tại Nag Hammadi sớm nhất cũng khoảng năm 150 hay trễ hơn, vào thời điểm chủ thuyết Ngộ Đạo đã phát triển thành hệ thống. Niên biểu này đã được chấp nhận với Tin Mừng Philipphê, Tin Mừng đã cho Đức Giêsu và Maria Mađalêna hôn môi nhau. Riêng Tin Mừng Maria lại công bố vai trò lãnh đạo của Maria Mađalêna. Mật Mã Da Vinci đã vẽ ra huyền thoại Chén Thánh một phần được cảm hứng từ hai Tin Mừng này. Tuy nhiên Dan Brown lại mập mờ đánh lận niên biểu của các Tin Mừng Ngộ Đạo lên trước Các sách Tin Mừng Chính Lục.

 Ở chương cuối, Mật Mã Da Vinci lại thêm tài liệu Ngộ Đạo Marcion. Các sử gia gọi Marcion là một Proto-Gnostic (tiền Ngộ Đạo). Tân Ước đã cảnh giac “những ông thày giả hiệu” đang tới, cũng là đề cập chung về loại tài liệu Ngộ Đạo. Khi viết về cuộc quang lâm, Thánh Phêrô khẳng định, “không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo nhưng vì chúng tôi thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người (2Ph 1, 16). “Chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo” hẳn ám chỉ những tài liệu Ngộ Đạo.

 Vào tháng 12, 1945, gần thành phố Ai cập, Nag Hammadi một người nhà quê bắt gặp một số những cuộn da văn bản. Những bản văn này có niên biểu thế kỷ thứ tư, gồm những bài thơ, chuyện thần thoại, thần bí và những văn bản khác được các học giả gọi là “tin mừng bí ẩn”. Những tin mừng bí ẩn gồm: Tin Mừng Tôma, Tin Mừng Philipphê, Tin Mừng Chân Lý, Tin Mừng cho dân Ai Cập, Khải Huyền của Thánh Phêrô, Khải Huyền của Thánh Phaolô, Thư Thánh Phêrô gửi Thánh Philipphê, Tia chớp - Trí Tuệ Tuyệt Hảo, Chứng Từ Của Chân Lý. Chủ thuyết Ngộ Đạo là chủ trương tìm hiểu biết Thiên Chúa... linh hồn và vũ trụ bằng cảm nhận thực nghiệm trực tiếp. Ngộ Đạo thuyết lớn lên trong những thế kỷ đầu, đón nhận những dạng thức đức tin Kitô giáo nhưng phủ nhận phần lớn đức tin Kitô Giáo (Duncan Greenlees, The Gospels of the Gnostics). Nói chung Marcion cũng như 51 bản văn Ngộ Đạo khác được đào thấy ở Nag Hammandi đều phủ nhận cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Tất cả đều coi thường các loài thụ tạo, đặc biệt rẻ rúng sự phân định phái tính, hôn nhân và tình mẫu tử. Tài liệu Ngộ Đạo từ chối mọi thứ luật lệ, không tin có tội lỗi và nhận định con rắn ở vườn Diệu Quang đã lên lời khôn ngoan. Các tài liệu không tin Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi tội nhưng tin Chúa giải thoát loài người khỏi u mê trí tuệ và mang lại ơn giác ngộ.

 Có thể xác định, những tài liệu Ngộ Đạo và Thánh Kinh chính lục không thể phát triển song song nhau như Mật Mã Da Vinci chủ trương. Sứ điệp thứ nhất của các Kitô hữu nhận từ Chúa Giêsu và các Tông Đồ được đón nhận rộng rãi và được soạn thảo do thế hệ đầu tiên. Sau đó xuất hiện những sứ điệp chống đối từ phía những người từ bỏ đức tin hoặc những người bất mãn với Giáo Hội. Đó là những tài liệu Ngộ Đạo. Có thể nói Mật Mã Da Vinci đã vét cạn những điểm ngang trái từ các Tin Mừng Ngộ đạo như Teabing dựa vào Tin Mừng Philipphê để phóng lời kết án Giáo Hội đã và đang dập vùi thân phận phụ nữ. Ông sử gia qủa quyết: “Như tôi đã nói trước đây, cuộc hôn nhân giữa Đức Giêsu và Maria Mađalêna là một phần ghi nhận của lịch sử”. Hơn nữa, Đức Giêsu, với tư cách là một người đàn ông có vợ có ý nghĩa hơn vô vàn chuẩn mực của Thánh Kinh về Đức Giêsu, một người độc thân (245). Ở đây người ta trưng dẫn Tin Mừng Philipphê: “...Và người bạn đường của Chúa Cứu Thế là Maria Mađalêna. Đức Kitô đã yêu nàng hơn các môn đệ khác, Người thường hôn nàng và hay hôn môi nàng. Các môn đệ khác thấy bị xúc phạm và đã bày tỏ thái độ bất bình. Anh em nói với Thày, Tại sao Thày yêu cô này hơn tất cả chúng tôi” (248). Và theo Teabing hai người đã có con với nhau”. Dan Brown còn tung ra những con số tưởng tượng mong minh hoạ: Giáo Hội phớt lờ nữ quyền và nhìn phụ nữ như quỉ ma. Langdon mô tả cuộc kỳ thị tàn nhẫn: “Trong 300 năm săn lùng ‘phù thuỷ’, Giáo Hội đã thiêu sống trên dàn thiêu 5 triệu phụ nữ.

 “Hội Kín Sion tin rằng, Constantinô và những người đàn ông kế tục đã thành công biến cải thế giới lương dân mẫu hệ thành Kitô giáo phụ hệ do tiến hành một chiến dịch bôi lọ người nữ thánh thiêng thành quỉ ma và vĩnh viễn xoá bỏ các nữ thần khỏi tín ngưỡng hiện đại”...

Cuối cùng nhân danh các Tin Mừng Ngộ Đạo, Dan Brown giới thiệu Đức Giêsu nổi bật là nhà hoạt động đầu tiên cho nữ quyền: Teabing nói: “Theo những bản văn Tin Mừng chưa bị sửa đổi, không phải Phêrô được Đức Giêsu chỉ thị lập Giáo Hội Kitô giáo nhưng là Maria Mađalêna”. Đức Giêsu là nhà hoạt động đầu tiên cho nữ quyền. Ngài tính, tương lai Giáo Hội sẽ được đặt vào tay Maria Madalêna”.

 Nhưng Mật Mã Da Vinci đã bị ‘gậy ông đập lưng ông’ trong vấn đề nữ quyền: Mật Mã Da Vinci muốn chúng ta tin, Tin Mừng Ngộ Đạo ủng hộ phụ nữ nơi đâu, Tân Ước hạ thấp phụ nữ nhưng đoạn văn này của Tin Mừng Ngộ Đạo Tôma đã tố cáo Mật Mã Da Vinci ăn gian bằng chứng. “Simon Phêrô nói với họ: Hãy để cho Maria (có lẽ là Maria Mađalêna) rời bỏ chúng tôi, vì phụ nữ không đáng sống”. Chúa Giêsu nói, chính ta sẽ dẫn dắt nàng để biến nàng thành đàn ông, như thế nàng cũng có thể trở thành loài có thần sống, giống với đàn ông các anh. Những phụ nữ biến mình thành đàn ông sẽ được vào Nước Trời” (‘Tin Mừng Toma’, lời 14).

 V. VẤN ĐỀ NỮ QUYỀN TRONG THÁNH KINH

 Ở Đông Phương thời trước người phụ nữ mang thân phận thấp kém và rẻ rúng, ‘nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô’ nên phụ nữ ở nhà hay ngoài xã hội chẳng bao giờ dám ngẩng mặt nhìn trời, nhìn người vì lúc nào cũng tòng, cũng ‘phụ’ cho ai đó, ‘tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử’. Ở Tây phương, trước khi phụ nữ là ‘Lady first’, phụ nữ đã bị coi là “con người dở dang” (homme manqué, theo lối nhìn của Aristote).

 A. Trong Cựu Ước

 Ở Do Thái, người phụ nữ được gọi là ’issâh, con người nữ phái. Nàng được Thiên Chúa rút ra từ người đàn ông đầu tiên và được tạo dựng. Nghĩa là nữ phái mang bản chất tương hợp với nam phái nhưng có phẩm cách độc đáo (St 2, 21- 24). Đúng là lối nhìn Việt Nam rất ứng với sách Sáng Thế: “Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai’ hay nói kiểu tượng hình của Thánh Phaolô: ‘Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ và gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương, một thịt’ (Eph 5, 31). Thời Cựu Ước, danh hiệu ‘Thiếu Nữ Sion’ là biểu tượng cho Dân Chúa Chọn. Người phụ nữ thuở ấy cũng đã nhận những tước hiệu cao quý trong hai trình thuật về tạo dựng của sách Sáng Thế và trong Tân Ước, trình thuật của Phaolô, 1 Cor 11,7 đúng là tiếng vọng lại của hai trình thuật trên. Theo đó, cùng là hình ảnh của Thiên Chúa, nữ phái bình đẳng với nam phái về bản chất và phẩm cách nhưng lại thấp hơn nam phái về vai trò. Nàng là “người trợ giúp xứng hợp cho chàng” (St 2, 18), còn chàng là người “điều binh khiển tướng trên đời nàng” (St 3, 16).

 Giữa xã hội

 Nhiều phụ nữ đã đảm trách những sứ mạng của toàn dân như Nữ tiên tri Hulda làm tham vấn cho các cận thần của vua (2V 22, 14tt). Đêbora từng là tiên tri và quan án trong dân Israel (Tl 4, 4tt; 5). Juđit và Este được dân chúng trân trọng như hai nữ anh hùng dân tộc đã cứu thoát dân. Sách Châm Ngôn 31 đã ca tụng những phụ nữ cao trọng, tán thưởng những người mẹ, người vợ đảm đang, rộng lượng mang lại hạnh phúc tràn đầy cho chồng con. Trong Cựu Ước thỉnh thoảng cũng xuất hiện những trình thuật trình bày về tình thân trong cộng đoàn gia đình, chứng tỏ người phụ nữ được chồng yêu thương, lắng nghe và ứng xử bình đẳng (1S, 4- 8. 22; 2V 4, 8- 24). Người chồng khen nàng, là nội tướng đảm đang và những người khôn ngoan chúc mừng nàng (Kn 31, 10- 31; Hc 26, 1- 4. 3- 18).

 Về pháp lý

 Theo luật pháp thân phận phụ nữ thấp hèn và lệ thuộc. Nàng gọi chồng là ‘Thày’ hay ‘Chủ’ (St, 12; Tl 19, 26; Am 4, 1) và còn bị coi như một trong những món sở hữu của chồng (Xh 20, 17; Đnl 5, 21). Người chồng có thể la mắng vợ, còn nàng chẳng được thừa hưởng gia sản gì của chồng, và cũng chẳng được di sản từ cha trừ khi người đàn ông hợp pháp nhận di sản vắng mặt (Ds 27, 8). Quyền hợp pháp của người vợ góa sẽ tùy người cha hay chồng thừa nhận hay phủ nhận (Ds 30, 4- 17). Theo Luật Maisen phụ nữ gần như một nô lệ và có thể bị chồng đuổi đi. Phụ nữ phải giữ nghi thức thanh tẩy đặc biệt (Lv 15, 19, 25; 12, 2- 3). Trong trường hợp nghi ngờ, ‘nước của lòng ghen tương’ sẽ chống lại nàng. Sự thất tiết bị phạt tử hình. Thánh Phaolô từng cấm phụ nữ lên tiếng giữa cộng đoàn Phụng vụ (1Cor 14, 33b-36).

 Nơi tôn giáo

 Ở Do Thái cổ thời, cũng như nơi những vùng khác ở Cận Đông, trong lãnh vực tôn giáo vai trò người phụ nữ tuy khá giới hạn nhưng nhiều phụ nữ đã đảm nhận vai trò nữ tiên tri như Miryam (Xh 15, 20tt; Ds 12, 1-2; Mi 6,4), Đêbora (Tl 4, 4), Hulda (2 V 22, 14tt) Noađia (Ne 6,14) và cũng có những tiên tri vô danh. Ở một số tôn giáo Cận Đông, nhiều phụ nữ còn phải nhận làm điếm thần, một nhiệm vụ tôn giáo nên Đệ Nhị Luật (23, 18) có luật cấm các cô gái, không được làm điếm thần (nơi đền thờ các vị thần ngoại lai).

 B. Trong Tân Ước

 Tới thời Tân Ước, vẫn còn hiện diện vị nữ tiên tri Anna nhà Phanuel nơi đền thờ trong lễ Dâng Con của Thánh Giuse và Đức Mẹ (Lc 2, 36). Vị nữ tiên tri này được soi sáng để nhận ra Chúa Cứu Thế ấu thơ.

 Vào Tân Ước, người phụ nữ được trân trọng nhìn nhận phẩm cách, được cộng tác vào công trình loan Tin Mừng và được trao phó những sứ vụ cao cả. Ga 4, 17-26 kể về một phụ nữ bình thường như mọi phụ nữ khác, nàng còn tai tiếng nữa, vì đã năm lần ly dị hiện đang chung sống với một người bạn trai. Nàng còn là một người Samaritanô khác đạo. Chúa đã vượt qua cả nề nếp phong tục Do Thái hồi đó về ranh giới sắc tộc và đạo giáo để chia sẻ với nàng lời công bố đầu tiên: Người là Đấng Messia. Đàng khác Trong Lc 8, 1-3, ngược với phong tục thời ấy, Chúa Giêsu đã đón nhận một nhóm các phụ nữ đi theo Chúa và các môn đệ để phục vụ và trợ giúp về tiền bạc. Tân Ươc đã mạnh mẽ khẳng định phẩm giá và ơn gọi phụ nữ qua sự kiện một phụ nữ đi loan báo tin vui vô cùng lớn lao, tin vui Chúa Phục Sinh cho cả Giáo Hội, sự kiện được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật (Mt 28, 1; Mc 16, 1; Lc 24, 10). Với Thánh Phaolô, vị Tông Đồ từng nhấn mạnh đặc tính “phu xướng phụ tùy” (1 Cor 11, 7- 12): “Người nam không được che đầu vì là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa; còn người nữ là vinh quang của người nam”. Chính Phaolô đã mạnh mẽ tuyên bố, “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô (Gal. 3, 28). Thánh Phaolô còn nhắn nhủ những người chồng, “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep. 5, 25).

 Cuối cùng chúng ta không thể quên Mẹ Maria, người Phụ Nữ được chọn để đối đầu với con rắn tại Vườn Diệu Quang, “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người Phụ Nữ, giữa dòng giống mi và dòng giống người Phụ Nữ; dòng giống ấy sẽ đánh vào đầu mi và rình mi sẽ cắn gót chân người”(St 3, 15). Người Phụ Nữ sáng chói này chính là Mẹ Maria, một người con trinh trong của Thiên Chúa. Chính Mẹ đã được Thiên Chúa mời gọi để thay mặt cho cả nhân loại đón nhận Chúa Cứu Thế vào cung lòng mình và trao Chúa Giêsu cho chúng ta.

 V. NỮ QUYỀN TRONG GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI

 Nữ Quyền là vấn đề tương đối mới. Trước Vatican II, Đức Gioan XXIII đã thấp thoáng đề cập trong thông điệp ‘Hoà Bình Trên Trái Đất’ Riêng Vatican II khi trình bày những vấn đề lớn về phẩm cách, nhân vị của con người, tương giao xã hội trong Hiến chế Mục Vụ Giáo Hội Trong Thế giới Ngày nay và Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, Công Đồng đã ‘cho quá giang’ vấn đề nữ quyền. Nhưng vấn đề còn ở giai đoạn chẩn đoán căn bệnh thời đại chưa tập trung thành một hướng dẫn hệ thống. Ở đây, với đôi dòng lược ghi giáo huấn của Giáo Hội về nữ quyền chúng ta đi tìm những điểm tựa từ Vatican II và đặc biệt chú ý Tông huấn ‘Phẩm Giá Phụ Nữ’ do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành 18 năm trước đây.

 A. Vatican II

 Hiến chế Mục Vụ Giáo Hội Trong Thế giới Ngày Nay nhắc nhớ: Thiên Chúa muốn mọi người làm thành một gia đình và đối xử với nhau bằng tình huynh đệ (GS số 8). Nhưng trước một xã hội đang có những mâu thuẫn gia đình do những tương giao xã hội mới giữa nam và nữ, Vatican II nhận định, “Ở đâu nữ giới chưa được bình quyền với nam giới, họ đều đứng lên đòi hỏi cho mình được bình đẳng trước pháp lý và thực tế” (GS số 9). Tiếp theo, ở số 60, Hiến chế Mục Vụ Giáo Hội Trong Thế giới Ngày Nay khẳng định không được phân biệt nam nữ, mọi người đều được hưởng nhận văn hoá, điều phù hợp với phẩm giá con người. Trong sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, Công Đồng lạc quan nhận ra, nữ giới ngày càng đóng góp xây dựng các lãnh vực xã hội, nên cần giúp họ tham gia công tác tông đồ giáo dân (LG số 9).

 B. Tông Huấn ‘Phẩm Giá Phụ Nữ’

 Đức Maria, người mẫu của phụ nữ

 Khởi đi từ biến cố Truyền Tin, Tông Huấn thấy Đức Mẹ hiện diện ngay tại trung tâm của biến cố cứu độ qua cuộc Truyền Tin tại Nazaret và Tông Huấn nhìn Mẹ Maria như người mẫu của các phụ nữ. Với lời “Xin Vâng” Đức Mẹ đã cưu mang người con và người con này là Con Thiên Chúa, đồng bản thể với Đức Chúa Cha và Người mẫu của phụ nữ cũng là Mẹ thật của Thiên Chúa (4). Sau Vatican II Đức Phaolô VI trong lễ tuyên phong tiến sĩ cho hai nữ thánh Terêsa Avila và Catarina Sienna đã nhấn mạnh vấn đề nữ quyền như một ‘dấu chỉ thời đại’. Ngài cũng thành lập trong Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1974 một uỷ ban nghiên cứu về phẩm giá và trách nhiệm phụ nữ.

 Phụ nữ là hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa

 Thiên Chúa tạo dựng con người có nam, có nữ. Họ được dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa (St 1,27). Vì là hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa nên con người là một ngôi vị, người nam và người nữ đều là ngôi vị như nhau. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa muốn, “Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương hợp với nó” (St 1, 18-25). Nói khác, nam nữ không chỉ sống bên nhau, sống chung với nhau mà còn sống cho nhau, sống hỗ tương nhau, sống liên vị. Họ, cả nam và nữ đều là tạo vật duy nhất ở trần thế được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ. Đồng thời tạo vật ‘duy nhất đó’ chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thực cống hiến chính mình cho nhau (10).

 Phụ nữ được tạo dựng từ “xương sườn của người nam”(St 2, 23)

 Người nữ được tạo dựng từ “xương sườn của người nam”. Nghĩa là theo ngôn ngữ Kinh Thánh căn tính của người nữ thiết yếu tương quan với người nam (Ish – Isha): Nàng sẽ được gọi là đàn bà (Isha) vì đã được rút từ đàn ông (Ish) (St 2, 23).

 Phụ Nữ và Nữ quyền

 Thời đại này vấn đề ‘nữ quyền’ đã có những ý nghĩa mới mẻ trong bối cảnh rộng rãi về các quyền của con người. Soi sáng cho vấn đề này là luôn công bố và nhắc lại bằng nhiều hình thức, sứ điệp Kinh Thánh và Tin Mừng để bảo tồn chân lý và sự ‘hiệp nhất giữa hai người’. Đó là chân lý về phẩm giá và ơn gọi phát xuất từ sự khác biệt và tính chất ngôi vị riêng biệt của người nam và người nữ. Vì thế khi phụ nữ đòi nữ quyền chính đáng họ không thể bị ‘nam hoá’, dù với bất cứ lý do gì. Người nữ không nên nhân danh cuộc giải thoát khỏi, ‘sự thống trị của người nam’ (St 3, 16) để dành lấy những đặc tính của người nam, gây nguy hại cho nữ tính của mình... Trong trình thuật của Kinh Thánh, tiếng reo hò của Ađam khi nhìn thấy người phụ nữ vừa được sáng tạo là tiếng reo hò thán phục và say đắm, tiếng reo mừng được vang lên suốt lịch sử của con người trên trái đất ( số 11).

 Những tài năng cá nhân của nữ phái chắc chắn không kém những tài năng của phái nam, tuy mỗi bên mỗi khác. Vì thế người nữ cũng như người nam phải nhận ra sự triển nở cá vị, nhận ra phẩm giá và ơn gọi của mình dựa trên những tài năng riêng, tuỳ theo nữ tính phong phú mà họ đã nhận khi được sáng tạo, và thừa hưởng như một diễn tả về việc ‘là hình ảnh Chúa và giống Thiên Chúa’.

 Đức Giêsu nói chuyện với phụ nữ

 Trên bước đường sứ vụ của Đức Giêsu, đã xuất hiện một số khuôn mặt phụ nữ, và thái độ của Người đối với từng người, đã làm nổi bật một ‘nếp sống mới’ thấm nhuần tinh thần Tin Mừng. Tất cả mọi người, kể cả những ai có thái độ phê phán sứ điệp của Đức Kitô, đều nhìn nhận, trước mắt những người đồng thời, Đức Kitô đã là người bênh vực phẩm giá đích thực của người phụ nữ, cũng như ơn gọi gắn liền với phẩm giá đó. Thái độ đó đôi khi gây thán phục và kinh ngạc nhưng cũng thường gây vấp phạm: “Họ ngạc nhiên vì thấy người nói chuyện với một phụ nữ” (Ga 4, 27), vì đó là một thái độ xa lạ với người đương thời. Cả đến môn đệ của Đức Kitô cũng ngạc nhiên, khi thấy người phụ nữ vào nhà và xức dầu thơm trên chân Đức Giêsu. Người Biệt Phái chủ nhà nghĩ bụng, “Nếu quả thật ông này là tiên tri, thì hẳn biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là một người tội lỗi” (Lc 7, 39). Những thính giả tự mãn lại càng cảm thấy bực tức và có khi còn tỏ ra thái độ ‘phẫn nộ thánh thiện’ khi nghe Đức Kitô nói, “Những người thu thuế, những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21, 31). Những lời nói và cách ứng xử như thế chứng tỏ Đức Giêsu hoàn toàn thấu hiểu những bí mật của mầu nhiệm Nước Trời (số 12).

 Đức Giêsu không kỳ thị nữ phái

 Toàn bộ giáo huấn của sứ điệp Đức Giêsu, cũng như cách cư xử của Người không có gì tỏ ra kỳ thị nữ giới. Ngược lại lời nói và hành động của Người luôn tỏ ra kính trọng phụ nữ. Người phụ nữ còng lưng được gọi là ‘con cháu Abraham’ (Lc 13, 16), trong khi cả Thánh Kinh chỉ dành danh xưng đó cho phái nam. Trên con đường thập giá hướng về Golgotha, Đức Giêsu ngỏ lời với các phụ nữ: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì” (Lc 23, 28). Phong cách Đức Giêsu nói về và nói với cũng như cách cư xử với họ rõ ràng là mới mẻ đối với phong tục tập quán thời đó. Thái độ này càng hiển nhiên hơn với nhưng phụ nữ bị dư luận khinh miệt, coi như những người tội lỗi, người mắc tội công khai và người ngoại tình. Chẳng hạn Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samaria, “Đúng là chị đã năm đời chồng và người đang sống với chị không phải là chồng chị”. Khi nhận thấy Đức Giêsu biết rõ những bí mật của đời mình, người phụ nữ đã thấy ra, Người là Đấng Thiên Sai và chạy ngay về thông báo cho cả làng biết. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samaria là một trong những mẫu đối thoại đẹp nhất Tin Mừng (x Ga 4, 7-27). Một phụ nữ khác rất tai tiếng, dù bị dư luận rẻ rúng, nàng đã vào nhà một ông Biệt Phái xức dầu thơm lên chân Chúa Giêsu. Thấy ông chủ nhà tỏ vẻ khó chịu, Chúa đã nói: “chị này nhiều tội nhưng chị đã được tha vì chị đã yêu mến nhiều” (x Lc 7, 37-47). Có thể nói, qua thái độ của Chúa Giêsu chúng ta nhận ra, phụ nữ cũng là tạo vật duy nhất trên mặt đất, Thiên Chúa đã muốn sáng tạo họ vì chính họ (số 13).

 C. Thông Điệp Giáo Hội Sống Nhờ Thánh Thể (EdE)

 Trong Thông điệp Giáo Hội Sống Nhờ Thánh Thể (EdE) Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lại thấy Mẹ Maria là Người Nữ Thánh Thể: “Khi Đức Maria hát vang: ‘Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa và lòng trí tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi’, Chúa Giêsu đang trong cung lòng của Mẹ, Mẹ ngợi khen Chúa Cha thay cho Chúa Giêsu, nhưng Mẹ cũng ngợi khen Chúa Cha trong Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu. Đó chính là thái độ Thánh Thể đích thực” (EdE. 58).

 VI. VẤN ĐỀ NỮ QUYỀN QUA VÀI NHẬN ĐỊNH THỰC TẾ

 A. Steven Goldberg

 Steven Goldberg, Trưởng khoa xã hội học tại Đại Học Tiểu Bang New York đã viết: “Tôi xác quyết, phụ hệ là phổ quát và chưa bao giờ có mẫu hệ. Trong bất cứ xã hội nào, quyền bính và quyền lãnh đạo trong gia đình đều liên kết với người đàn ông... Chúng tôi đã nghiên cứu từng trăm xã hội ở thế kỷ này, không có ngoại lệ, tất cả đều theo phụ hệ. Chúng tôi không có lý do tin rằng đã từng hiện hữu những xã hội do phụ nữ điều khiển” [Theo Giáo sư Nghiêm Thẩm (Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước năm 1975), tất cả những chế độ mẫu hệ của những sắc dân thiểu số tại vùng cao nguyên Việt Nam đều là “mẫu hệ giả”. Thực sự quyền bính trong gia đình không hẳn thuộc người vợ nhưng thực tế thuộc người anh hay em vợ].

 B. Nhờ nền văn minh Kitô Giáo nữ quyền được nhìn nhận

 Thực tế trong thế giới lương dân cổ xưa phụ nữ đã không được nhìn nhận và ứng xử như Langdon lầm tưởng. Thực tế, trong tầm ảnh hưởng, Kitô giáo đã làm chuyển biến lớn lao về phẩm cách và ơn gọi phụ nữ. Trước khi Chúa Kitô đến, nơi thế giới lương dân, cuộc đời phụ nữ đã được nhìn với ánh nhìn rẻ rúng. Tại Hy Lạp, Ấn độ và Trung Hoa phụ nữ không có chút quyền hành và bị coi như một món sở hữu của người chồng. Các triết gia thuở ấy cũng chẳng coi trọng phụ nữ hơn những người dân ngoài Kitô giáo khác. Aristote đã coi đẳng cấp phụ nữ nằm giữa đàn ông và giới nô lệ. Platon nói, người đàn ông nào sống cuộc sống nhút nhát, anh ta nên tái đầu thai làm phụ nữ.

 Tại Hy lạp cổ, người vợ không được phép rời nhà nếu không có người đi kèm. Nàng không được ăn uống, giao dịch với khách tại nhà.

 Một phụ nữ Athen có vị thế xã hội không hơn một nô lệ. Phụ nữ không được học hành và không được phát ngôn nơi công cộng. Lặng thinh được coi là duyên dáng của phụ nữ, kể cả ở nhà. Kitô giáo đến đã chuyển biến triệt để thân phận phụ nữ. Chính các học giả lương dân Rôma cổ thời cũng coi đó là khúc quanh cho quyền tự do và phẩm cách phụ nữ. Xưa cũng như nay, ở đâu Kitô giáo vào cuộc là phụ nữ được nâng cao. Trong giới lương dân Trung Hoa, nạn phá thai để chọn phái tính rất phổ biến hồi 1880 khi các Thừa Sai Kitô giáo chưa tới. Các trẻ em nữ bị coi như ‘của nợ’. Trong hai thế kỷ vừa qua do ảnh hưởng của Kitô giáo, thái độ ứng xử với phụ nữ toàn thế giới đã thăng tiến rõ rệt. Kitô giáo đã giúp phụ nữ Trung Hoa bỏ lệ bó chân (cho mảnh mai, hấp dẫn). Nhiều trường hợp gây biến chứng rất nguy hiểm, và có thể tử vong.

 Tại An Độ, tục lệ suttee của người Hindu: khi chồng chết vợ cũng bị chôn táng theo chồng, nhờ Kitô giáo đã chấm dứt. Những “Bà Goá Trẻ Con” trong nề nếp văn hoá lương dân Hindu thờ nữ thần. Các cô gái này được dâng làm điếm thánh trong đền thờ. Amy Carmichael, một tín hữu Kitô giáo đã đấu tranh để chấm dứt hủ tục này và giải cứu được các cô.

 VI. ĐÔI DÒNG KẾT

 Ai đó có thể tuỳ tiện đem một bông hồng tươi thắm nhúng chàm và hí hửng chỉ cho bạn bè thấy một ‘bông hồng đen’ không là chuyện mới mẻ. Trước Mật Mã Da Vinci từng có The Last Temptation với nhân vật Giêsu còn đen đủi, hắc ám hơn nhiều. Và xung quanh The Last Temptation cũng không thiếu những nhân vật Giêsu trong Giao Điểm, trong Tây Dương Giatô Bí Lục với khuôn mặt còn gớm ghiếc nữa. Chuyện nhúng chàm Chúa Giêsu và bôi lọ Giáo Hội là chuyện người ta, những người không chia sẻ Đức tin với chúng ta. Nhưng không phải vì Chúa bị nhúng chàm mà Chúa thành chàm và không phải vì bị bôi lọ mà Giáo Hội ra lọ lem. Cũng chẳng vì Dan Brown giấu mặt mà anh không sợ mất mặt. Đáng tiếc là anh chẳng bao giờ biết biển nên chê biển hẹp, chẳng bao giờ anh tin nên chẳng xót xa khi lòng nguội lạnh. Đọc anh, xem anh chúng tôi cứ tiếc có lần nào anh tìm ra đứng trước biển xem người muối đi tìm mẹ, nghe người muối ới ời mẹ. Một ngày nào đó trong đời anh, một buổi mai, buổi hôm nào đó trong đời anh.

 Chẳng ai ngờ người muối là con ruột của biển khơi. Người muối suốt ngày gọi mẹ, tìm mẹ:

 “Biển khơi ới ời, mẹ ở đâu mà con tìm hoài chẳng thấy? Mẹ ới ời, mẹ là ai sao con chẳng biết. Mẹ ới ời, mẹ cao hay thấp, bao la hay hẹp hòi sao con lường chẳng nổi.

 Biển khơi nghe con gọi sốt cả ruột không thôi dâng nước làm sóng, sóng vỗ miên man, như tiếng mẹ gọi tìm con. Rồi một ngày nắng đẹp, người muối chẳng ngờ mình đứng ngay trước biển, và nghe rõ qua tiếng sóng vỗ giọng mẹ nhủ con:

 “Người muối ơi, con của mẹ, muốn hiểu mẹ con phải bước tới. Bước tới nữa.

 “Sao con vẫn chưa thấy mẹ?

 “Con bước thêm nữa.

 “Con chỉ gặp sóng và nước và đôi chân con bắt đầu bị biển ăn mòn.

 “Con bước tới nữa.

 “Thân con bắt đầu bị nước hoà tan.

 “Người muối con ơi, con muốn hiểu biển, con phải hoà tan trong lòng biển mới hiểu mẹ mặn, mới thấy mẹ bao la!

 

Lm. Giuse Trịnh Tín Ý

( đăng lại từ bản tin Hiệp Thông số 35 của HĐGMVN )

Tiếp theo

 

 

Rao Giảng Tin Mừng

Nhiệm Vụ Quan Trọng Của Người Mục Tử

 

Vào ngày 25/07 vừa qua, một biến cố đáng ghi nhớ đối với giáo phận Phú Cường nói chung và với linh mục đoàn nói riêng: Giáo phận đã có thêm 19 tân linh mục, nâng tổng số linh mục trong Giáo phận Phú Cường là 136 linh mục. Nhân biến cố quan trọng này khi đón nhận các tân linh mục gia nhập linh mục đoàn, chúng ta cùng nhau chia sẻ về sứ mạng của người linh mục trong mọi thời đại, nhất là trong năm Sống Lời Chúa này: Rao giảng Tin mừng, nhiệm vụ quan trọng của người mục tử.

1. Mẫu gương của Đức Giêsu - Thầy chí thánh

Khi sinh xuống trần gian, Đức Giêsu đã thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ cứu chuộc nhân loại, cả cuộc đời Ngài luôn làm tất cả mọi sự để chu toàn thánh ý của Thiên Chúa Cha. Trong những năm sống công khai, Đức Giêsu đã tận hiến toàn thân để rao giảng Tin Mừng. Khởi đầu cho sứ vụ, Ngài đã về làng Nazareth, vào ngày Sabath Ngài đã vào hội đường và đọc ngay đoạn sách của tiên tri Isaia rất phù hợp với con người của Ngài: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho người nghèo khó” (Lc 4, 18). Kế đến Ngài đã tuyển chọn 12 tông đồ và 72 môn đệ, để huấn luyện họ thành những người nối tiếp công việc rao giảng Tin Mừng, Ngài đã mời gọi họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1, 17). Trong cuộc đời đi rao giảng, Ngài luôn chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, Ngài đã nói với các tông đồ về những những sự khó khăn, thiếu thốn khi làm người loan báo Tin mừng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, con người không có hòn đá gối đầu” ( Mt 8, 20). Trong ba năm ngắn ngủi, Đức Giêsu đã cùng với các tông đồ và các môn đệ đi khắp đất nước Palestin để rao giảng Tin mừng, khi thấy đám đông dân chúng đi theo Ngài để được nghe những lời giảng dậy, “Đức Giêsu đã chạnh lòng thương vì họ như đoàn chiên không người chăn dắt và Ngài dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6, 34). Sau cuộc chịu nạn, chịu chết và Phục Sinh, trước khi về trời, Ngài đã ra lệnh cho các tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19).

Công Đồng Vaticanô II, trong Sắc lệnh về Truyền Giáo đã khẳng định: “Chúa Giêsu Kitô được sai xuống trần thế làm trung gian đích thực giữa Thiên Chúa và nhân loại. Vì Người là Thiên Chúa nên “ở trong Người, ngay trong thân xác Người, có tất cả sự sung mãn về thiên tính” (Cl 2, 9). Còn theo nhân tính, Người là Ađam mới được đặt làm đầu nhân loại đã đổi mới… Những gì Chúa đã một lần rao giảng hay đã hoàn tất trong Người cho phần rỗi nhân loại, phải được công bố và truyền bá cho tới tận cùng trái đất” (TG số 3). Như thế Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân, do đó là những linh mục, chúng ta phải nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh. Thánh bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc trong quyển “Chỉ nam linh mục hướng dẫn đời sống mục vụ cho các linh mục giáo phận” ban hành ngày 01/10/1989 đã hướng dẫn: “Mỗi linh mục phải có một ý thức truyền giáo thật rõ ràng để có đủ khả năng và sẵn sàng dấn thân một cách cụ thể và quảng đại trong việc thông truyền Tin Mừng đến với những ai còn chưa tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô. Linh mục quả thật là “nhà truyền giáo được sai đến với thế giới” (số 4d).


2. Mẫu gương của Thánh Phaolô tông đồ dân ngoại


Thánh Phaolô tông đồ trước khi trở lại có tên là Saul, là một người hăng say đi lùng bắt các người Kitô hữu (x. CVTĐ 8,1-3). Với biến cố ngã ngựa tại thành Đamát, Saul đã được nghe lời Đức Giêsu phán: “Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông nói: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì” (CVTĐ 8, 4-6). Sau khi trở lại, Saul đã đổi tên thành Phaolô (x. CVTĐ 13, 9) bắt đầu cuộc đời đi loan báo Tin Mừng và ông đã được chọn để đi rao giảng cho những người dân ngoại, nghĩa là những người không phải là Do thái. Tại Antiôkia ông đã nói với người Do thái: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình là không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (CVTĐ 13, 46). Tại Công Đồng Giêrusalem, Phaolô đã lên tiếng về việc không được bắt những người dân ngoại, phải cắt bì theo luật Môisê khi muốn trở thành Kitô hữu, và các tông đồ mà đứng đầu là Phêrô và Giacôbê đã chấp nhận đề nghị này (x. CVTĐ 15, 5-35). Vì sứ mạng loan báo Tin Mừng, Phaolô đã phải trải qua rất nhiều những gian nan thử thách nhưng ông đã chấp nhận tất cả, miễn làm sao cho nhiều người được cứu độ: “Họ là người phục vụ Đức Kitô ư? Tôi nói như người điên: tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tầu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi…” (2C 11, 23-25). Về cuối đời, khi Phaolô bị tù đày tại Rôma, ngài đã viết cho người môn đệ thân tín là Timôthê một bức thư, như để một tổng kết cho hành trình sứ vụ của người đi rao giảng Tin Mừng: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường và đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính” (2Tm 4, 6-8). Thánh Phaolô tông đồ đã nêu gương cho chúng ta về sứ vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân, cả cuộc đời của thánh nhân từ khi trở lại, đã tận hiến cho việc truyền giáo để làm sao cho nhiều người nhận biết Chúa và ông đã hoàn tất sứ mạng một cách vẻ vang. Phaolô đã xứng đáng được tôn phong là tông đồ dân ngoại.

Trong thánh lễ phong chức, Đức Giám mục đã căn dặn các tiến chức: “Các con thân mến, các con sắp lên chức linh mục, các con sẽ thi hành nhiệm vụ giảng huấn trong Chúa Kitô là Thầy chúng ta. Các con đã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, các con hãy đem ra phân phát cho mọi người. Khi suy gẫm luật Chúa, các con hãy chú tâm tin điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy”. Là những người đã được lãnh tác vụ linh mục, chúng ta phải thực hiện những lời nhắn nhủ của Đức Giám mục, để chu toàn nhiệm vụ rao giảng lời Chúa cho mọi người. Thánh Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc trong “Chỉ nam linh mục” đã hướng dẫn: “Việc truyền bá Phúc Âm cho những người ngoài Kitô giáo đang sống trong lãnh thổ của một giáo phận hoặc một giáo xứ, trước hết được trao phó cho một vị mục tử của giáo phận hoặc giáo xứ đó; các vị này có trách nhiệm hàng đầu; với sự cộng tác của cộng đồng Kitô hữu. Đây là nhiệm vụ tông đồ đòi hỏi Đức Giám Mục, trước hết phải là sứ giả của đức tin và đòi hỏi các linh mục phải tận lực lo rao giảng Tin Mừng cho những người còn ở ngoài cộng đồng Giáo Hội, đòi hỏi bản thân các linh mục phải dấn thân, cùng với các tín hữu của mình cộng tác với các vị thừa sai” (số 4e).

3. Mẫu gương của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Cách đây 28 năm, vào ngày 16/10/1978, Đức Karol Wojtyla đã trở thành người kế nhiệm Đức Gioan Phaolô I và là vị Giáo Hoàng thứ 264 kể từ Thánh Phêrô Tông Đồ, ngài đã lấy danh hiệu là Gioan Phaolô II. Khi mới lên ngôi Giáo Hoàng, ngỏ lời với đám đông đang chờ đợi ở Quảng trường Thánh Phêrô để chào đón vị giáo hoàng mới, Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô. Hãy mở rộng mọi biên cương quốc gia, các hệ thống kinh tế và chính trị, những trường văn hóa, văn minh và phát triển cho quyền năng cứu độ của Chúa. Đừng sợ!”

Từ những tâm tình khi mới lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện những biến cố phi thường. Sau khi ngài từ trần vào ngày 02/04/2005, mọi người đã phải thán phục vì những cuộc tông du trên toàn thế giới: Đức Giáo Hoàng đã thực hiện 104 chuyến tông du đến 129 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngài đã đi một quảng đường dài 1.247.613 cây số, tức là gấp 3, 24 lần từ trái đất đến mặt trăng, đã thực hiện 146 chuyến viếng thăm mục vụ trên toàn nước Ý và với tư cách là Giám mục Rôma, ngài đã viếng thăm mục vụ 317 giáo xứ trên tổng số 333 giáo xứ của giáo phận Rôma. Trong triều đại Giáo Hoàng của ngài, Đức Gioan Phaolô II đã ban hành 14 thông điệp, 15 tông huấn, 11 tông hiến, 44 tông thư. Ngài đã gặp gỡ 17.600.000 khác hành hương trong 1.160 lần tại Quảng trường Thánh Phêrô vào mỗi ngày thứ tư. Trong Năm Thánh 2.000 ngài đã gặp gỡ 8.000.000 khách hành hương , đã tiếp 773 1ần các nhà lãnh đạo quốc gia, tiếp 245 lần các vị thủ tướng và là tác giả của 5 quyển sách.

Tại những quốc gia mà Đức Gioan Phaolô II viếng thăm, ngài đã luôn dùng mọi phương tiện và mọi cách thế khác nhau để rao giảng Tin Mừng và ngài đã không sợ hãi khi phải rao truyền chân lý. Trong chuyến viếng thăm Cuba vào ngày 21/01/1988, Đức Giáo Hoàng đã nói với chủ tịch Fidel Castro tại phi trường La Habana: “Tôi đến như một người hành hương của tình thương, của sự thật và niềm hy vọng, với ý muốn thêm sức thúc đẩy mới cho công việc Rao giảng Tin Mừng. Công cuộc mà Giáo hội tại đây tiếp tục nâng đỡ với những khó khăn và với sức sống Tông Đồ trên con đường tiến về ngàn năm thứ ba”. Đức Gioan Phaolô II đã nêu gương cho chúng ta về sứ vụ loan báo Tin mừng, ngài đã nói lên tiếng nói của chân lý và tình thương để làm cho nhân loại nhận biết Thiên Chúa. Thánh bộ Giáo sĩ trong quyển “Kim chỉ nam cho thừa tác vụ và đời sống linh mục” ban hành ngày 31/01/1994 đã hướng dẫn: “Đức Kitô đã giao phó cho các Tông Đồ và Giáo Hội sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Thông truyền đức tin là vén mở, loan báo và đào sâu ơn gọi làm Kitô hữu, tức là lời mời gọi Thiên Chúa nói với mỗi người để biểu lộ mầu nhiệm cứu độ, đồng thời cho thấy chỗ đứng trong tương quan với mầu nhiệm này là làm nghĩa tử cho Chúa Con” (KCN số 45). Như vậy, sứ mạng loan báo Tin Mừng là một nhiệm vụ quan trọng đối với Giáo Hội và với các linh mục, tuy nhiên, để việc rao giảng được hữu hiệu, đòi hỏi anh em linh mục chúng ta phải rao giảng không phải bằng lời nói mà còn bằng chính cuộc sống nhân chứng của mình, vì đây là mẫu gương sống động để thu hút người nghe. Kim chỉ nam của Thánh bộ Giáo sĩ đã lưu ý: “Để cho thừa tác vụ Lời Chúa đạt kết quả, và trong khi vẫn lưu tâm đủ đến bối cảnh này, linh mục phải dành ưu tiên cho chứng tá đời sống, nó biểu lộ sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa và làm cho lời ngài rao giảng có sức thuyết phục” (KCN số 45).

Ngày nay đứng trước sứ vụ Loan báo Tin Mừng, có lẽ nhiều lần chúng ta cảm thấy lo sợ, ngần ngại hay chán nản, vì thấy trong nhân loại còn có rất nhiều người dửng dưng với niềm tin tôn giáo và thậm chí nhiều nơi trên thế giới, rất nhiều Kitô hữu đã bị bách hại vì đã tin vào Đức Giêsu. Sau hơn 20 thế kỷ rao giảng Tin Mừng, những người tin vào Thiên Chúa vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong cộng đồng nhân loại. Trước khi về trời, Đức Giêsu đã phán với các tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20). Là những người đã nhận lãnh sứ vụ rao giảng Lời Chúa trong ngày thụ phong linh mục, chúng ta hãy can đảm lên đường đến với muôn dân để thực hiện nhiệm vụ tông đồ, cho dù ở phía trước còn nhiều chông gai, nguy hiểm. Tin tưởng vào lời Đức Giêsu đã phán: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”, chúng ta phải vững tin rằng, Ngài vẫn luôn ở với từng anh em linh mục khi chúng ta thực hiện sứ vụ. Vì thế đừng sợ, hãy can đảm ra đi rao giảng Tin Mừng và làm cho nhiều người nhận biết Danh Chúa.

Lm Micae

Theo Web site Giáo phận Phú Cường

Tiếp theo

 

 

 

SÁO ĐỜI

Thân này sáo rỗng…

Người ban lệnh cất lời ca…

Sinh trưởng và lớn lên trong vùng đất Ấn Độ, sự phân chia đẳng cấp xã hội một cách rõ rệt như ở đây làm gia tăng lên hố ngăn cách với người giàu và người nghèo, giai cấp trên và giai cấp dưới. Hệ thống đẳng cấp này có nguồn gốc từ Drahma vĩnh cửu, trật tự bất biến trong vũ trụ. Cấu trúc xã hội bao gồm bốn đẳng cấp, và các đẳng cấp bởi sự quyết định của việc sinh hạ theo dòng dõi và các bổn phận tôn giáo và xã hội của họ. Giai cấp Bà la Môm thuộc về tăng lữ, đây là giai cấp cao nhất, bổn phận của họ là nghiên cứu và giảng dạy kinh Veda, giữ vai trò hướng dẫn trong việc phụng thờ. Giai cấp Kshatriya là giai cấp chiến sĩ, những người có bổn phận hướng dẫn xã hội, bảo vệ hạnh phúc và quê hương cho dân tộc. Giai cấp Vaishya là giai cấp sản xuất phục vụ đời sống cho xã hội, điều hành kinh tế, là những thương nhân. Ba giai cấp này được gọi chung là ba giai cấp được sinh ra hai lần, lần sinh thứ nhất là về thể lý, lần sinh thứ hai là về tâm linh. Người sinh lần hai này vào tuổi thiếu niên khi trải qua nghi lễ khai tâm (Upanayana). Ba giai cấp trên có bổn phận tôn giáo là học hỏi kinh Veda. Giai cấp thấp thuộc về giai cấp thứ tư là giai cấp Shudra, những người thuộc giai cấp này phục dịch ba giai cấp trên, thường họ là những người lao động chân tay, các gia nhân, những nghề nhỏ mọn mà ba giai cấp trên không được phép làm, giai cấp thấp không được học hỏi kinh Veda, chỉ được theo con đường sùng mộ thần linh (Bhakti). Ngòai bốn giai cấp trên, Ấn Giáo còn một gia cấp nữa là giai cấp cùng đinh, những người làm  nghề đê tiện thường bị xem là là không có Varna . Những người này sống cách xa thành phố và làm những công việc dơ bẩn (Đánh cá, săn bắn, thuộc da, vệ sinh, chôn người chết…), họ tránh không được tiếp xúc với các giai cấp trên để khỏi lây sự ô uế của họ. Những giai cấp đã được ấn định nên không mong gì hơn là an phận với giai cấp của mình khi sinh ra đón nhận dòng dõi.

“Tôi thấy tim mình như rạn nứt, vì hãnh diện khôn cùng; ngước nhìn mặt Người, mắt tôi ứa lệ…”. Cảm động vì vui sướng, chẳng một giai cấp nào chịu sự phân biệt khi đến diện kiến Người. Một giai cấp cùng đinh nhất là một giai cấp sung sướng trào ứa lệ nhiều nhất, bởi vì, những người cùng đinh, bé nhỏ này được Người thương đoái đến hát cho Người nghe. Dường như cho đến lúc này ta đang nghe một lời ca đẫm lời tri ân nhất. Ở đó, trong xó nhỏ cuộc đời này lại được mời vào hát trong hòang cung cho vị vua nghe. Ở đó, một con người nghèo rách rưới này lại được mời hát cho vị vua với hãnh diện của một phẩm giá con người mà những giai cấp trên chưa bao giờ đụng tới. Một thân phận bé nhỏ chịu sự khinh miệt của xã hội gọi là tiện dân, bị coi là những người hèn hạ nhất, ngay cả cái bóng của họ cũng không được chiếu lên thân hình của người bình thường khác, vậy mà lại được Thượng Đế mời gọi vào hát cho Người.

Phẩm giá con người, dù một người nghèo rách rưới, tả tơi, làm những công việc đê tiện nhất được cất lời ca, phải chăng là những con người này đang được mời gọi sống xứng đáng với phẩm giá của con người. Nếu Tagore từng suy nghĩ về những con người nghèo nhỏ, xem như rác rưởi này tại Ấn Độ vào những năm 1913, thì trong một lần Gandhi cho thấy một thực tế hơn nơi ông từng phát biểu với giai cấp trên vào năm 1915: “Ấn Độ không chỉ có Dehli, Bombay, Ấn Độ còn có hơn bảy trăm ngàn thôn xã. Chúng ta phải đứng về phía hàng triuệu triệu người - Những người hằng ngày phải nai lưng làm lụng vất vả dưới ánh sáng mặt trời”. Đứng về phía người nghèo thôi cũng chưa đủ, mà còn đồng hành với họ. Trong phương thức ấy, Gandhi đã rời khỏi gia cấp của mình để bước tới gia cấp thấp hơn, sống chung với họ, chia sẻ thật gần với những cảm nghiệm của họ. Khi hiểu được những tâm tình này của những người nghèo Ấn Độ, ta mới có thể thấy tại sao hạt nước mắt lại long lanh khi được mời đến hát cho Thượng Đế nghe bài hát nghèo nàn của họ, chúng ta mới hiểu những đôi mắt ngấn lệ kia khi bước tới để trình bày những âm điệu đục trong và lỗi điệu mà vẫn được đón nhận.

Chúng ta có thể tự hỏi, từ giai cấp trên bước xuống hay từ giai cấp dưới bước lên. Kinh nghiệm của ấn Độ cho thấy rõ, con người từ giai cấp thấp hèn kia không thể tự động bước lên, đó là một điều chẳng bao giờ được phép, như vậy chỉ có một con đường từ trên bước xuống. Sự bước xuống này Gandhi cho thấy một cảm nghiệm, khi ông phát biểu vào năm 1921 tại phong trào đòi xóa bỏ giai cấp tiện dân: “Nếu như tôi có đầu thai sống lại, tôi sẽ sinh ra giữa những người tiện dân, để chia sẻ sự bất hạnh, đau khổ và tủi nhục của họ”. Trong thực tế ông đã đến và sống nghèo khổ như họ để nhiều lần hiểu và nhắc cho họ sự tự trọng nơi chính mình, cần biết tôn trọng chính mình để người khác tôn trọng mình.

Có lẽ đây là một kinh nghiệm của một cuộc đời mà có thể hiểu được vấn đề của lịch sử cứu độ. Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người, Ngài không chỉ xa cách để chỉ ban ơn nhưng còn tháo giầy bước vào thân phận của con người. Điều cảm nghiệm sâu xa nhất đối với tâm hồn được Thiên Chúa giải thoát là kinh nghiệm của những người được tha thứ nhiều nhất, những người bần cùng nhất. Những người được mời gọi từ thân phận thấp hèn đến trước nhan Ngài mà cất tiếng hát dâng lên cho Ngài.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân, Thiên Chúa yêu mến chúng ta khi chúng ta còn phản nghịch với Ngài[1][1]. Con người không thể đến với Thiên Chúa nếu Ngài không đi bước trước đi xuống với con người. Chính vì thế, chúng thấy rằng chân lý của tình yêu là chân lý của người thí mạng sống vì người mình yêu.

Người đến đồng hình đồng dạng để giải thoát, chính vì vậy: “Những gì trong tôi lỗi điệu, đục khàn biến thành hòa khúc dịu êm – như chim vui náo nức băng qua biể cả, lòng tôi đê mê dang cánh bay xa”.

Kinh nghiệm của khúc hát này cũng khởi đi từ thực tế của đời sống dân Ấn Độ thời bấy giờ. Vào những năm Ấn Độ nằm trong ách thống trị của Anh, những người dân đen như được nghe tin mừng giải thoát. Đây mới chỉ là khởi đầu của niềm vui cứu thóat. Ai sẽ cứu thóat họ, một phần nhờ chính sự nỗ lực của những con người này. Giống như cần dựa trên tiếng hát đục trong của người nghệ sỹ bất đắc dĩ để biến thành khúc hát dịu êm.

Kinh nghiệm của Gandhi thấy rằng, giải thóat tiện daân không chỉ một sớm một chiều mà cần họ ý thức cộng tác. Một lần khi ông đến ngôi làng xa xôi của đám người tiện dân, ông nghe nhiều điều người ta than vãn, chẳng có nước ngọc để dùng trong khi đó chỉ bên kia  có giếng nước ngọt, họ đã không cho dùng. Gandhi đã nhân cớ khuyên dạy những người tiện dân, trước hết hãy biết giữ gìn thân thể của mình sạch sẽ, đừng ăn tạp, tôn trọng chính mình rồi sẽ nói người Bà La Môn tôn trọng mọi người được. Đi khuyên dạy người nghèo nhưng đồng thời cũng thuyết phục với người ở đẳng cấp trên, Gandhi đã nói: “Tôi không cho rằng, những người tiện dân làm những công việc thấp kém kia là nhơ bẩn, rác rưởi. Các bà mẹ giặt tã cho con, các bác sỹ chữa bệnh nhân, lau rửa các vết thương… không thể gọi là các việc nhơ bẩn được,; trái lại, đó là những hành vi cao cả, đáng được kính trọng và khen ngợi”[2][2].

Giải thóat không đến từ một phía, chính vì vậy mà Thánh Augustin có lần cảm nghiệm: “Để dựng nên con, Chúa không cần con; nhưng để cứu con, Chúa cần con”. Đục trong sẽ thành khúc ca dịu êm, có phải đó là một kinh nghiệm đã bén rễ trong Lời Thánh Kinh: “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt”[3][3].

Tái tạo con người để con người diện kiến trước tôn nhan Thiên Chúa. Đó là sự tái tạo hòan hảo, tội lỗi được rửa sạch trong, những bùn nhơ đọa đày được giải thoát, mặc lại chiếc áo hòang tử để được hưởng phúc lộc hòang cung, có lẽ cảm nghiệm ấy đã thấm vào trong lời thơ Tagore: “Tôi biết lời tôi ca làm Người vui thích. Và tôi biết chỉ khi khóac áo ca công tôi mới đến trước mặt Người”. Không chỉ những thế mà còn đi xa hơn trong chiều dầy của ân sủng: “Say nhừ vì nguồn vui ca hát, tôi quên bẵng thân mình, tôi gọi Người là bạn, là Thượng Đế của lòng tôi”.

Thân như sáo đời đổ rỗng những đục khàn, và được lấp đầy bằng thanh âm trong trẻo. Những tội lỗi được tẩy xóa và diện kiến trước nhan thánh Người. Thuyền nhỏ mong manh chở đầy hạnh phúc.

 Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tiếp theo

Text Box: SỐNG CHỨNG NHÂN

 

SỐNG ĐẠO TRONG HÔN NHÂN

 

Thierry và Armelle là đôi vợ chồng Công Giáo người Pháp. Cả hai có bốn người con. Thierry là kỹ sư viễn thông trong một công ty nổi tiếng. Armelle là chuyên viên trang trí và làm việc tại Viện Bảo Tàng Le Louvre của thủ đô Paris.


Sau khi sinh hai đứa con đầu, Armelle từ giã nghề nghiệp lui về với công việc nội trợ, dành trọn thời giờ chăm sóc chồng con và nhà cửa.


Hai người chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống Đức Tin lồng trong khung cảnh gia đình và nghề nghiệp như sau.

Ông Thierry. Sau 12 năm kết hôn, chúng tôi không thể nói mình là đôi vợ chồng trẻ. Thế nhưng, chúng tôi vẫn giữ nguyên tình yêu của thuở ban đầu và tình yêu này mỗi ngày một tăng mãi. Bốn đứa con là niềm vui lớn lao của chúng tôi. Đức Mẹ MARIA chiếm chỗ đứng trong giờ kinh ban tối của gia đình và chúng tôi kêu cầu Mẹ như là Người Mẹ của gia đình, Người Bảo Trợ cho Tổ ấm. Chúng tôi chú trọng đến việc giáo dục con cái. Chúng tôi dạy cho các con biết đọc kinh, đặc biệt 3 kinh: Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh. Chúng tôi cũng luôn luôn đem các con đi tham dự Thánh Lễ Chúa nhật. Chúng tôi thường chọn chỗ ngồi hàng đầu để các con dễ theo dõi Thánh Lễ và ít quấy phá, làm phiền người khác.


Bà Armelle. Trong ngày, tôi hướng lòng về với Đức Mẹ MARIA và cầu nguyện với Đức Mẹ trong tâm tình của một người mẹ gia đình. Tôi xin Đức Mẹ ban ơn can đảm để tôi chu toàn bổn phận làm vợ và làm mẹ. Đối với các con, tôi nghĩ rằng, cần phải khơi động Đức Tin nơi chúng. Nói về THIÊN CHÚA cho con cái khi chúng còn nhỏ là một lợi điểm, vì chúng ta chuẩn bị đất tốt, để hạt giống Đức Tin được sớm nẩy mầm và lớn lên. Tôi thường lợi dụng lễ Giáng Sinh để nói với các con về Đức MARIA, Mẹ của Đức CHÚA GIÊSU và Mẹ của từng người. Trẻ em rất nhạy cảm đối với vấn đề tôn giáo. Một trong những dấu chỉ của việc cầu nguyện là cây nến thắp sáng. Trong lãnh vực tôn giáo thì gương lành của cha mẹ rất quan trọng..

Sau khi sinh đứa con đầu lòng và nhân dịp chuẩn bị lễ rửa tội cho con, ông bà Thierry và Armelle tìm gặp một Linh Mục để xin giúp đỡ. Ngài liền giới thiệu ”Các Nhóm Đức Bà”, thuộc tổng giáo phận Paris, thủ đô nước Pháp. Đây là những ”Nhóm sống đạo” do các gia đình tụ họp lại. Họ chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ đời sống Đức Tin trong khung cảnh gia đình và xã hội.


Nhờ tiếp xúc với ”Các Nhóm Đức Bà”, đôi vợ chồng Thierry và Armelle tìm thấy ”linh đạo hôn nhân”, giúp hai người sống đạo vững vàng hơn. Nhờ kinh nghiệm của các đôi vợ chồng khác, hai ông bà không cảm thấy chán nản khi thấy cuộc sống thiêng liêng của mình cũng có những lúc gặp khó khăn hoặc khô khan nguội lạnh. Nhưng nhất là, những buổi gặp gỡ chia sẻ giúp ông bà tìm thấy sức mạnh để sống Đức Tin và trách nhiệm thông truyền Đức Tin cho con cái, ngay từ lúc chúng còn thơ ngây.


Ông Thierry. Chúng tôi tìm thấy nơi ”Nhóm Đức Bà” phương thức giúp làm lớn mạnh linh đạo hôn nhân và Đức Tin của chúng tôi. Đức Tin không phải cho riêng hai vợ chồng nhưng còn cho con cái nữa. Điều này đáp ứng lòng mong đợi của chúng tôi. Các gia đình trong nhóm chúng tôi rất ý hợp tâm đồng. Các buổi gặp gỡ mang lại cho chúng tôi phương thức khơi động niềm tin của con cái. Chúng tôi cảm thấy được cảm thông và nâng đỡ.


Bà Armelle. Với công việc bận rộn thường ngày, đôi lúc chúng tôi không tìm được thời giờ rãnh rỗi. Những lúc đó, tôi tự nhủ: ”Như Đức Mẹ MARIA, tôi phải dành thời giờ cầu nguyện với Đức Chúa GIÊSU. Tôi phải noi gương Đức Mẹ, luôn dừng lại để chiêm ngắm Đức Chúa GIÊSU”. Nhóm sống đạo của chúng tôi đặc biệt dành thời giờ để suy tư về Đức Mẹ. Các suy tư này giúp chúng tôi yêu mến Đức Mẹ nhiều hơn: yêu mến bằng chính cuộc sống gia đình của chúng tôi.


Ông Thierry. Noi gương Đức Mẹ MARIA, chúng tôi học cách yêu nhau và bày tỏ tình yêu cho nhau bằng thinh lặng. Chúng tôi âu yếm ngồi cạnh nhau và cùng nhau thì thầm lời cảm tạ: ”Chúng con cảm tạ Chúa vì tình yêu chúng con trao nhau, vì những lần chúng con làm hòa với nhau và vì lòng chúng con ao ước yêu nhau mãi mãi, mỗi ngày một thắm thiết đậm đà hơn. Chúng con cũng cảm tạ Chúa vì những giây phút hạnh phúc được tận hưởng bên nhau!”


(”Annales d'Issoudun”, Mai/1997, trang 157-160).(Radio Vatican)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Tiếp theo

 

Text Box: CÂU CHUYỆN SUY TƯ 
 


 


SỰ TÍCH NGƯỜI CHA

Thuở xưa, khi Thượng đế bắt đầu tạo một người cha cho trẻ con trên trần gian, Người đã tạc một thân hình thật cao lớn.

Thấy vậy, nữ thần liền hỏi: “Thưa Ngài, trẻ con chỉ là những sinh linh bé nhỏ, vậy Ngài tạo ra người cha cao lớn như vậy có ích gì? Ông ấy phải quỳ gối nếu muốn bắn bi với con trai, phải cúi thấp người nếu muốn ẵm con vào giường ngủ, còn nếu muốn hôn lên trán con, ông ấy cũng phải khom lưng xuống. Thật bất tiện”.

Thượng đế mỉm cười: “Đúng vậy! Nhưng nếu ta tạo ra người cha chỉ bé xíu bằng đứa trẻ thôi, thì sau này khi lớn lên, đứa trẻ sẽ ngước nhìn và ngưỡng mộ ai?”.

Thượng đế tiếp tục tạo một đôi bàn tay to lớn, gân guốc cho người cha. Nữ thần lắc đầu khó hiểu: “Ngài đã cân nhắc chưa? Với bàn tay quá khổ như vậy, ông ấy sẽ không thể thay tã hay đơm nút áo cho con, cũng không thể cột tóc cho con gái”.

Thượng đế vẫn mỉm cười khoan dung: “Ta biết chứ. Nhưng chỉ có đôi tay to lớn đó mới có thể chứa hết những thứ linh tinh mà đứa nhỏ lôi từ túi áo ra khoe vào mỗi cuối ngày, và đôi tay ấy vừa đủ để đứa con có thể gục mặt vào khóc mỗi khi bị bạn bắt nạt”.

Rồi Thượng đế tạo tiếp một bờ vai rộng và một đôi cánh tay cứng cáp. Nữ thần chăm chú nhìn và không giấu được vẻ ngạc nhiên, lo lắng: “Thưa Thượng đế, người cha như thế làm sao ôm con vào lòng được?”.

Với nụ cười độ lượng, Thượng đế trả lời: “Người mẹ sẽ ôm con vào lòng còn người cha chỉ cần có đôi vai vững chắc để làm ngựa cho con cưỡi và mỗi khi ngủ gật trên đường, đứa con có thể tựa đầu trên đôi vai ấy”. Một lát sau, thấy Thượng đế tạo đôi bàn chân to lớn cho người cha, nữ thần lại thắc mắc, trong khi Thượng đế chỉ mỉm cười: “Đôi chân ấy có thể làm xích đu cho con cưỡi và chỉ có đôi chân ấy mới có thể dọa cho bọn chuột hoảng sợ bỏ chạy trước khi bọn chúng làm cho đứa trẻ khóc thét”.

Cuối cùng, sau một thoáng suy tư, Thượng đế thêm vào trái tim người cha những giọt nước mắt. Rồi Người quay sang hỏi nữ thần: “Giờ thì ngươi hiểu rồi chứ? Người cha cũng sẽ khóc khi thấy con mình đau khổ hay thất bại, người cha cũng sẽ khóc vì vui mừng khi thấy con mình nên người và thành công. Nhưng nước mắt của người cha chỉ chảy trong tim...”.

Nữ thần lặng im, hình dung về người cha hoàn hảo của tất cả trẻ con trên thế gian này.

(theo Chicken Soup for The Soul)

Mộng tuyền sưu tầm từ Internet

Tiếp theo

 

 

 

Text Box: TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

  

 


 

TÌNH YÊU, TỰ DO HAY NÔ LỆ?

 

 “Tình yêu là passport cho bạn đi vào niềm vui, bình an và tự do.” Câu nói thời danh của nhà tâm lý nhân bản Anthony de Mello đã được nhiều người rất tâm đắc. Nhưng trên thực tế, nhiều bạn trẻ lại cảm thấy lo sợ, bất an và mất niềm vui khi đối diện với tình yêu, khi ở bên người yêu, hay khi người yêu đề nghị ngày kết hôn.

 

Bạn M đang học lớp 12 tuy không xinh nhưng linh hoạt dễ thương. Một hôm M nghe bạn trai tên H nói: H nhớ M nhiều, bữa nào H nghỉ học không gặp M, H buồn lắm”. Câu nói tâm tình đó cứ ghim chặt vào tâm trí của M, và M tưởng chừng H đã là của riêng mình. Nhưng rồi M lại thấy H cũng nói chuyện thân mật với các bạn gái khác. Từ đó M rất buồn, sụt cân và học kém. Như thế tình yêu đã làm cho M mất niềm vui sao? Hay vì M đang tự ngộ nhận và giam mình trong nô lệ cho cảm xúc do chính mình tưởng tượng ra vì H đã nói yêu M đâu. Trong bám víu thiếu nhận thức đó M đã đánh mất tính hồn nhiên và tinh thần học tập cầu tiến của tuổi học trò.

 

B và V là hai bạn sinh viên năm thứ ba đại học, hai bạn đó có một thời gian hạnh phúc với mối tình đầu nhiều thơ mộng. Nhưng rồi càng gần nhau V càng nhận thấy bạn gái mình có quan điểm sống không phù hợp với mình. B có nhu cầu vật chất và hưởng thụ quá cao. Tuy nhiên V vẫn cảm thấy cuộc sống không thể thiếu B, cho đến một hôm V nhìn tận mắt B đi từ vũ trường ra với một người đàn ông với thái độ như một người tình. V bị sốc đóng cửa ba ngày ở trong phòng, ngay cả ba mẹ cũng không muốn tiếp nữa. V bị suy nhược cơ thể và chán nản học tập. Sau đó một người bạn thân đã giúp V phân tích vấn đề một cách ý thức và chủ động chọn lựa. V đã thú nhận: Quả thực thời gian gần đây V đã không còn yêu B vì biết rằng tình cảm hai đứa không thể đi đến hôn nhân được. Nhưng V cứ nuối tiếc những lần đi chơi chung và những kỷ niệm thời cắp sách bên nhau.

 

Bạn T đã quen bạn X được chín năm. T hiện nay là một y sĩ duyên dáng đảm đang, T biết rõ sở đoản của X bạn trai của mình như: xấu trai, thất học, chơi cờ bạc, cư xử thô lỗ và không trung thực. Càng quen lâu T càng lo sợ khi nghĩ đến ngày cưới, nhưng sao T không thể nói lời chia tay với X được. T nghĩ rằng sẽ không thể quên được X vì những lần X đã giúp đỡ T và cá tính mạnh mẽ của anh ta. T đã từ chối một vài đối tượng tha thiết đến với T mà T cũng như gia đình đều nhận thấy họ là người tốt. Tuy nhiên trong quyết định cuối cùng T đã xin một chuyên gia giúp và T đã nhận ra rằng từ trước đến giờ T đã quá nô lệ cho “tiếng trống” quá mạnh của X mà không để lòng mình tự do thưởng thức những âm thanh của những nhạc cụ khác trong bản nhạc giao hưởng của cuộc đời.

 

Vâng, tình yêu là một bản nhạc giao hưởng, đễ thưởng nếm được hạnh phúc đích thực, chúng ta cần có thái độ tự do để nhận diện và chọn lựa. Để phân biệt tình yêu thực và tình yêu giả chúng ta luôn cần đến “thẳng thắn chặt bỏ những hoàn cảnh, và đối tượng đem đến sự nô lệ, sợ hãi và bất an cho cuộc đời mình. Bạn không nên vì một chút cảm xúc nhất thời hay vì nhu cầu vật chất, cầu nhàn mà phó mặc tương lai mình cho một con người mà mình biết chắc là không có sự hòa hợp và luôn gây tổn thương cho tâm hồn của mình. Vì chỉ có tình yêu thực mới có nội lực giúp bạn luôn cảm nhận được niềm vui trong đời sống gia đình giữa nhiều thách đố của cuộc sống hiện nay. Như thế, hạnh phúc hay bất hạnh đều do thái độ sống tự chủ, và thái độ tự do chọn lựa của bạn.

 

 

Nt. Phạm Thị Oanh

Chuyên Viên Tư Vấn Tâm Lý GD và Tình Yêu HNGĐ

 

 

HÃY VUI CÙNG CON TRẺ

 

Khi ta nhìn một đứa trẻ vui chơi, ta không thể thấy được một niềm vui  nào trọn vẹn hơn, niềm vui được cháu bé thể hiện tràn đầy qua ánh mắt, nụ cười, những vận động linh hoạt của toàn cơ thể. Điều này cho thấy, đối với trẻ vui chơi là cái tuyệt đối, hoặc là tất cả hoặc không có gì., đây chính là điểm khác biệt giữa người lớn và trẻ con.

 

Là người lớn, ai cũng trải qua giai đoạn trẻ thơ, nhưng một khi thơ ấu đã qua đi, rất ít người có khả năng trở lại, chỉ khi nào họ có một đứa con, đó sẽ là một cơ hội để họ nhìn lại, sống lại niềm vui của thời thơ ấu. Nhưng nhiều khi chúng ta lại cho rằng sự vui chơi của trẻ con là điều vụn vặt trong cuộc sống, cái quan trọng mà chúng ta muốn thấy ở một đứa trẻ là ăn nhiều, nói sỏi, lên cân, lanh lợi, và sau đó là học giỏi, là ngoan ngoãn, là lễ độ, thống minh… mà ít ai nghĩ rằng chính những niềm vui, những trò chơi của trẻ con lại là tiền đề cho những điều vừa kể.

 

Không có gì tự nhiên mà có, những vấn đề rối nhiễu ở trẻ em cũng vậy, hầu hết các trẻ chậm nói, biếng ăn khi hỏi ra đều có một hoàn cảnh na ná nhau mà nổi bật bật nhất vẫn là hai nét chính : người mẹ thiếu sự quan hệ gần gũi với đứa trẻ khi còn ở giai đoạn sơ sinh và bé tí ( nhũ nhi) Đứa trẻ bị giao tiếp với máy móc ( TV, phim quảng cáo, hoạt hình, ca nhạc thiếu nhi ) nhiều hơn là giao tiếp với những người thân trong gia đình.

 

Thêm một yếu tố cũng không kém phần quan trọng là khi các em ở vào độ tuổi mẫu giáo, thì các em ít có dịp chơi đùa với bố mẹ, đặc biệt là người bố. Mặc dù trong nhiều trường hợp thì người bố rất thương con, nhưng chính vì thương nên lại hạn chế không cho con được chơi đùa để tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh, không dám cho con chơi với trẻ hàng xóm và chỉ biết mua hết món này  đến món khác cho trẻ chơi  theo ý thích của người bố ( có khi lại chẳng phù hợp gì về với nhu cầu của trẻ) mà chính bản thân thì lại không biết chơi gì với con, vì ngoài giờ đi làm về, thường chỉ muốn nghỉ ngơi trong chốc lát, rồi lại cắm cúi vào công việc, mà quên rằng một giờ không  chơi đùa với con có khi sẽ phải trả giá bằng nhiều ngày dẫn con đi khám hết nơi này đến nơi khác để chữa trị một tình trạng đã rồi.

 

Nhưng có thể nói, để giải quyết những vấn đề hóc búa ở công ty hay xây dựng cả một dự án có khi còn dễ hơn là chơi đùa một cách hiệu quả với con cái, vì đơn giản là khi đó, mình chẳng còn là mình, nghĩa là mình phải trở thành một đứa trẻ để cùng chơi với một đứa trẻ, chứ không đơn giản là một người lớn nói nói cười cười với một đứa trẻ.

 

Nói cách khác, khi một đứa trẻ chơi một trò chơi thì trước mặt chúng, ta không còn là một ông bố mà có khi chỉ là chú bé ngốc nghếch để cho cu cậu leo lên mà nhún nhảy thôi, và chúng ta phải là một chú bò thì mới có thể chơi với trẻ cái trò này được.Ta có thể bày ra một trò chơi, nhưng tốt hơn là cứ để trẻ “ phân vai “ cho trẻ điều khiển, ta chỉ có bổn phận là giữ cho trò chơi được an toàn và điều quan trọng là phải làm cho trẻ vui. Chính trong niềm vui đó mà chỉ lãnh hội được những điều cơ bản cho cuộc sống sau này.

 

Có thể nói, chơi với trẻ con là một nghệ thuật không phải dễ mà các bậc cha mẹ cần phải trau dồi, chúng ta có thể tham khảo qua sách vở, qua kinh nghiệm bàn bè hay qua những lời tư vấn, nhưng khi vận dụng thì hầu như không có một bài bản nào, tất cả chỉ dựa vào 2 yếu tố : tình yêu thương dành cho đứa con, sự hoà mình trong niềm vui của trẻ thơ.

 

Chúng ta nên nhớ rằng lẽ sống của người lớn là công việc thì với trẻ con là vui chơi, chúng ta trưởng thành qua việc làm như thế nào, thì trẻ con cũng xây dựng nhân cách của chúng qua trò chơi như vậy. Ngăn cấm một đứa trẻ chơi đùa là một điều có thể để lại một hậu quả mà có khi chính chúng ta là những người phải nhận lãnh. Việc bắt một đứa trẻ học thêm một cách quá đáng, cho dù nhân danh bất cứ một điều gì, kể cả những gì tốt đẹp nhất đều có thể gọi là một sư sai lầm mà cái giá phải trả của nó đã đầy dẫy trên các trang báo hàng ngày. Hãy để trẻ con được vui chơi và hãy vui chơi cùng con trẻ vì tuổi thơ là một điều khi đã qua thì không bao giờ trở lại.

 

 

 

Lê Khanh

TT. Nghiên cứu tâm lý trẻ em 

Tiếp theo

 

 

Text Box: ĐỌC SÁCH 
 

 


 

Chia sẻ với em: ''Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai''. (tiếp theo)

 

 

1- Tư tế của Tân Ước

 

Trong thư gởi tín hữu Do Thái, tác giả đã cho chúng ta thấy chức vụ thượng tế không phải ai cũng có thể tự phong tự chọn cho mình, ngay cả Chúa Giê-su, chính Thiên Chúa Cha đã chọn Ngài làm thượng tế như lời đã viết: “Cũng vậy, không phải Ðức Kitô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, như lời Ðấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Dt 5, 5-6). Như thế thì đã quá rõ ràng, Chúa Giê-su chính là vị thượng tế đầu tiên của Tân Ước, vị thượng tế của Tân Ước không phải như các thượng tế của Cựu Ước một năm vài lần lên đền thánh Giê-ru-sa-lem để tiến dâng lễ vật như luật Môi-sen đã dạy, nhưng chính Ngài dâng một lần là đủ để cứu chuộc tội lỗi của nhân loại, một lần duy nhất trên Thánh Giá ở đồi Golgotha, và sẽ được tái diễn hằng ngày trên các bàn thờ khắp thế giới bởi tay các tư tế của Tân Ước –linh mục- nối tiếp chức tư tế đời đời của Chúa Giê-su.


Tư tế của Tân Ước chính là người làm lại hy tế của Chúa Giê-su trên thập giá, tức là hy sinh bản thân mình, đổ máu và cuối cùng là chết đi để trở nên hiến tế cho Thiên Chúa, đó chính là cái làm cho các các tư tế của Tân Ước trở thành Chúa Ki-tô thứ hai (alter Christus) nơi các linh mục của Chúa Giê-su, bằng không thì các linh mục cũng chỉ là những thầy thượng tế của Cựu Ước, chỉ dâng lễ vật chiên bò mà không dâng chính bản thân của mình.


Chúa Giê-su, Đấng là thượng tế đời đời đã không ngừng mời gọi, và ban ơn cho những tâm hồn quảng đại hiến dâng cuộc sống của mình để trở nên một Chúa Ki-tô thứ hai tại trần gian, và để tiếp tục công việc mà Ngài đã làm trước khi về trời ngự bên hữu Đấng Cao Cả (Dt 1, 3b): đó là rao giảng tin vui Nước Trời và chữa lành những tâm hồn đau yếu tật nguyền, nhất là lấy đời sống yêu thương và quảng đại của mình, để hướng dẫn và đoàn chiên quy hướng về Chúa Giê-su trong sự hiệp nhất và yêu thương.


“Thật vậy, Đấng thánh hóa là Đức Giê-su, và những ai được thánh hóa đều do một nguồn gốc” (Dt 2, 11a), do đó mà người tư tế của Tân Ước chính là người được thánh hóa bởi ân sủng nơi chức tư tế đời đời của Chúa Ki-tô, cho nên ngôn hành của các ngài là ngôn hành của Chúa Ki-tô, đời sống của các ngài là phản ảnh lại đời sống của Chúa Ki-tô, tư tưởng và suy nghĩ của các ngài là tư tưởng và suy nghĩ của Chúa Ki-tô, chính vì những điều ấy mà các tư tế của Tân Ước trở thành một Chúa Ki-tô thứ hai giữa trần gian này, không phải cho mình nhưng là cho thế gian.


Nét nổi bật nơi các tư tế của Tân Ước chính là được Chúa Thánh Thần xức dầu thánh hiến để các ngài trở nên một Chúa Ki-tô thứ hai, có quyền tế lễ, quyền tha tội, quyền giáo huấn, và để các ngài không những luôn luôn được kết hợp với Chúa Giê-su, mà còn luôn là người đại diện của Ngài giữa cộng đoàn dân Thiên Chúa, bởi vì ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy,và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy (Mt10, 40).


Được xức dầu thánh hiến để trở nên tư tế của Tân Ước và là một Chúa Ki-tô thứ hai tại trần gian, thì cũng có nghĩa là các linh mục đã hoàn toàn thuộc về Chúa Giê-su, sống trong Chúa Giê-su và sống với Chúa Giê-su, như lời thánh Phao-lô đã cảm nghiệm và hân hoan nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20a), đó chính là một hồng phúc, một ân huệ lớn lao vượt quá trí khôn của con người...

 

3- Linh mục: người của hòa giải và tha thứ.



Chúa Giê-su Ki-tô là vị đại tư tế và là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người (Dt 3, 1b), Ngài chính là Đấng hòa giải và tha thứ của nhân loại trước tòa Thiên Chúa tối cao, Ngài, như lời thánh Phê-rô tông đồ nói: “Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương, hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa” (1Pr 3, 18), chính cái chết của Ngài –cái chết tự nguyện vì yêu thương- rất đẹp lòng Chúa Cha, và nhờ Máu Ngài đổ ra mà nhân loại chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là “Áp-ba ! Cha ơi !” (Rm 8, 15b).



Linh mục, người được chọn giữa muôn người, qua bí tích Truyền Chức Thánh đã trở nên một Chúa Ki-tô thứ hai ở giữa mọi người, chính ngài sẽ dùng bàn tay đã được xức dầu thánh hiến để hòa giải tội nhân với Thiên Chúa, chính ngài sẽ dùng bàn tay đã được xức dầu thánh hiến để tha thứ, để ban ơn và chúc lành cho mọi người, ngài thật sự là hình ảnh Chúa Giê-su đang hiện diện giữa mọi người, với một niềm cảm thông sâu xa vô hạn với những nổi khổ đau trong tâm hồn và nơi thân xác của những anh chị em của mình.

Để trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại, Chúa Giê-su đã mang thân phận con người như chúng ta, không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ tha nhân. Và để tiếp tục công việc cứu độ ấy cho đến ngày Ngài lại đến trong vinh quang, thì Chúa Giê-su không chọn một thủ lĩnh là thiên thần để tiếp nối sứ mạng quan trọng và vinh dự ấy, nhưng Ngài đã chọn những con người bất toàn để trao cho sứ mạng hòa giải và tha thứ, đó là các tư tế của Tân Ước, những người được chọn giữa con người và cho con người, “Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội” (Dt 5, 1). Cho nên, chính các linh mục của Chúa Ki-tô là những người rất biết cảm thông những đau khổ của người khác, các ngài luôn là niềm vui và an ủi của tha nhân, là sự hòa giải của mọi người, bởi vì chính các ngài vừa mang trên mình một sứ mệnh hòa giải giữa mọi tâm hồn, và giữa các tâm hồn với chính Thiên Chúa từ bi nhân hậu qua bí tích Hòa Giải, vừa có sứ mệnh dẫn dắt đoàn chiên đi đến sự hiệp nhất với nhau qua việc tham dự cử hành bí tích Thánh Thể.


Là hiện thân của sự hòa giải và tha thứ giữa anh chị em với nhau, các linh mục không những qua cung cách sống của mình phải biểu hiện lòng nhân ái của Chúa Giê-su, từ lời nói cho đến việc làm của các ngài, mà còn là người thực hiện hành vi hòa giải và tha thứ ấy qua sự phục vụ tha nhân như Chúa Giê-su –vị thượng tế đích thực- đã đến để phục vụ chứ không đòi người khác phục vụ mình.


Có một vài linh mục dâng thánh lễ mà nét mặt vẫn còn sắc giận với người này người nọ, các ngài đem cả giận hờn vào trong thánh lễ nơi bài giảng, và có khi trút lên đầu em bé giúp lễ dễ thương khi em chỉnh sai cái quạt máy nơi cung thánh. Sự hòa giải không phải chỉ là lời nói xin lỗi rồi thôi, cũng không chỉ hòa giải người này với người nọ, nhưng còn là hòa giải giữa mình với người khác, giữa mình với giáo dân…

Con người thời nay đau khổ quá nhiều, và sự đau khổ này, qua mọi thời đại, đều giống nhau bởi chiến tranh tàn phá, bởi phân biệt chủng tộc, bởi phân biệt giai cấp, bởi chủ nghĩa hưởng thụ, sự giàu nghèo, bất công, chia rẻ, bệnh tật và các tệ nạn.v.v...do người khác hoặc do chính bản thân mình tạo nên. Khi mà sự đau khổ xảy đến cho con người, thì các linh mục chính là nơi mà họ tìm đến để xin một lời khuyên, một lời an ủi, một sự chúc lành, vì họ tin tưởng linh mục chính là sứ giả của Thiên Chúa, là người thay mặt Chúa Giê-su đem niềm vui và an ủi đến cho họ, những lúc này, chính họ càng nhận ra rằng, linh mục chính là một Chúa Ki-tô thứ hai đang đồng hành với họ, chia sẻ và cảm thông những nổi khổ đau của họ.


 

LINH MỤC, CHÚA KI-TÔ THỨ HAI


KHI CỬ HÀNH THÁNH LỄ VÀ CÁC BÍ TÍCH


Trong hiến chế tín lý về Giáo Hội “Ánh sáng muôn dân”, thánh công đồng Va-ti-can II dạy rằng: “Chức linh mục thừa tác không những có chức năng đại diện cho Chúa Ki-tô –Đầu của Giáo Hội- đối diện với cộng đoàn tín hữu, nhưng còn có nhiệm vụ hành động nhân danh toàn thể Giáo Hội khi dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của Giáo Hội, và nhất là khi dâng Thánh Lễ” (sách GLCG số 1552). Mà quả thật là như vậy, ở đâu có linh mục thì ở đó quy tụ được thành phần những kẻ tin vào Chúa Giê-su, và khi linh mục cử hành thánh lễ thì chính ngài là một Chúa Ki-tô thứ hai đang dang tay trên thánh giá, không phải để diễn kịch, nhưng là để hiến tế, ban ơn, tha tội và quy tụ con cái Chúa đang tản mát khắp nơi (kinh Tiền Tụng 3) về một mối.


Các linh mục khi ý thức được chức thánh mà mình đã lãnh nhận, không phải chỉ nhất thời theo nhu cầu của hoàn cảnh, nhưng là vĩnh viễn, thì các ngài cũng ý thức rằng, bổn phận và trách nhiệm của mình không phải chỉ một thời hạn ngắn, nhưng là liên tục không ngừng cho tới khi Chúa Giê-su lại đến, dù cho khi không thi hành phận vụ cử hành các bí tích. Bởi vì, ơn thánh bởi bí tích Truyền Chức Thánh không ngừng tuôn đổ xuống trong tâm hồn nhiệt thành của các ngài, và Thánh Thần vẫn không ngừng hoạt động nơi các ngài, để các ngài –bất kì lúc nào- cũng luôn đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của đoàn Dân Chúa đã trao phó cho mình cai quản, thánh hóa và giáo huấn. Do đó, nét nổi bật nhất mà người tín hữu nhìn thấy Chúa Ki-tô nơi các ngài, là lúc các ngài cử hành các Bí Tích và Thánh Lễ, vì chính khi cử hành các Bí Tích và Thánh Lễ, thì dù cho vị linh mục đó là ai, là già hay trẻ, là mới chịu chức hay chịu chức đã lâu, thì các ngài vẫn là vị tư tế của Tân Ước, là chủ tế của cuộc hiến tế không đổ máu trên bàn thờ, là Đầu của một cộng đoàn đang hiện diện, và là một Chúa Ki-tô thứ hai đang cử hành các mầu nhiệm thánh.

A. CỬ HÀNH THÁNH LỄ


Bữa tiệc nào cũng có hai phần: giới thiệu, trò chuyện thân tình và ăn uống, và một vị chủ tiệc.


Hi tế nào cũng có hai giai đoạn: chúc tụng, tạ ơn, cầu xin và hiến dâng lễ vật, và một vị chủ tế.

 

Thánh Lễ nào cũng có hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, và một vị tư tế.

 

Thánh Lễ chính là bữa tiệc Nước Trời, là hi tế của Chúa Giê-su hiến dâng lên Chúa Cha, cho nên phụng vụ tự nó là một việc thánh thiêng mà con người –qua Giáo Hội- cử hành cách công khai để tôn vinh Thiên Chúa, và cảm tạ tình yêu thương của Ngài dành cho nhân loại, cho nên, thánh công đồng Va-ti-can II dạy rằng: “Phụng Vụ đáng được xem là việc thực thi chức tư tế của Chúa Giê-su Ki-tô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ..... Do đó, vì là công việc của Chúa Ki-tô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo Hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh...” (Hiến chế PV số 2). Là vị tư tế được chọn giữa con người để thay mặt Chúa Ki-tô, chủ tế những buổi hội họp phụng tự của Dân Chúa, người linh mục phải luôn luôn xét thấy mình bất xứng với chức vụ thánh, mà Chúa Ki-tô đã ủy thác để tiếp nối sứ mạng của Ngài tại trần gian. Các linh mục phải luôn làm cho tư tưởng và hành vi của mình tỏa nét sáng ngời của Chúa Ki-tô khi cử hành Phụng Vụ Thánh, mà cụ thể là việc cử hành Thánh Lễ và các Bí Tích.

Có nhiều giáo dân đến nhà thờ để tham dự các nghi thức Phụng Vụ hoặc Thánh Lễ, với ý thức và lòng cảm tạ sâu xa đối với tình thương hải hà của Thiên Chúa, nhưng đôi lúc chính họ cảm thấy thất vọng, và như bị xúc phạm đến tận sâu xa trong đức tin của mình, khi họ thấy linh mục chủ tế không chuẩn bị cho việc cử hành thánh lễ, họ thấy ngài dâng thánh lễ theo thói quen lập đi lập lại cách máy móc không có tâm tình cử hành phụng vụ thánh, tùy tiện phát ngôn trong thánh lễ không theo quy định của Giáo Hội về lễ nghi, và tệ hại hơn nữa là chính việc cử hành Phụng Vụ Thánh cách vô hồn ấy của một số linh mục, làm cho giáo dân giảm thiểu lòng yêu mến việc thờ phượng Thiên Chúa, mà khi lòng mến đã giảm bớt thì đức tin cũng từ từ tắt ngúm nơi họ luôn.


Giáo dân khi tham dự thánh lễ thì chỉ biết linh mục là vị đại diện của Chúa Ki-tô để dâng thánh lễ tạ ơn mà thôi, như thế cũng đủ lắm rồi, nhưng chính linh mục phải làm cho họ biết rõ ràng hơn không phải ngài chỉ là đại diện Chúa Giê-su mà thôi, nhưng còn là một Chúa Ki-tô thứ hai đang cử hành hiến tế tạ ơn, tiếp tục hy lễ Thập Giá ngày xưa trên núi Sọ. Trong đôi bàn tay của linh mục, cũng một tấm bánh ấy, cũng một chén rượu nho ấy, cũng một lời nói ấy mà tất cả đã trở nên Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su –vị đại tư tế muôn đời- làm lễ vật cao quý dâng lên Chúa Cha để cứu chuộc và tha tội cho nhân loại. Không còn hình ảnh nào thánh thiêng cho bằng, không có giây phút nào trang nghiêm cho bằng khi linh mục hai tay nâng Mình Máu Chúa Giê-su lên cao, để tất cả mọi loài trên trời dưới đất chiêm ngắm và thờ lạy.

Vì sự cao cả ấy của thiên chức linh mục, mà tất cả những ai được gọi phục vụ bàn tiệc của Chúa, phải nêu gương sáng ngời trong cách ăn nết ở của mình, để Chúa Ki-tô “yên lòng” ở trong đôi bàn tay của linh mục, và để các Ki-tô hữu càng thấy rõ sự cao cả của mầu nhiệm hy tế hơn, bởi đó mà thánh Gioan Ca-pét-ra-nô linh mục nói rằng: “Đúng là thiên hạ sẽ chà đạp giáo sĩ nào hoen ố và nhớp nhơ, chìm ngập trong vũng bùn thói hư tật xấu, bị xích xiềng tội ác trói buộc, và nên như phân dơ hôi hám khiến bị coi là chẳng còn ích lợi chi cho mình hay cho người khác nữa. Thánh Ghê-gô-ri-ô nói: “Sống mà đáng khinh thì dĩ nhiên giảng cũng đáng chê” , người ta có lý do của họ khi phê phán linh mục cử hành Thánh Lễ không trang nghiêm không sốt sắng, bởi vì họ đã nhận ra sự cao quý của Thánh Lễ, còn linh mục tại sao không nhận ra điều ấy khi cử hành Thánh Lễ ?


 (còn tiếp)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Tiếp theo

 

 

Text Box: THƯ GIÃN CUỐI TUẦN 
 

 

 


 

Thư giãn cuối tuần

 

BẤC DÂY GIÀY

 

Vào một đêm cúp điện, trong phòng nam.

SV1: Đứa nào thấy sợi dây giày của tao đâu hôn?

SV2: Trong cây đèn dầu đó, hồi chiều đèn dầu phòng mình bấc cháy hết nên thằng T lấy dây giày mày xài đỡ !

 

GÓP Ý

 

Sau một buổi công chiếu bộ phim, một khán giả nói với đạo diễn :

- KG: Đáng lí ra ở cuối bộ phim ông nên bố trí một vụ nổ thật lớn.

ĐD: Tại sao ?

KG: Để đánh thức khán giả dậy đi về!

 

Nội quy... ăn nhậu


Ông bà ta thường nói: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Vì vậy, nhậu có ảnh hưởng đến mọi tầng lớp và có ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ xã hội. Để nhậu không đi chệch hướng, cần phải có nội quy cụ thể. Sau đây là một số điều quy định:

Điều 1: Phải trung thực

Muốn gia nhập hội những người ăn nhâuk thì tuyệt đối không xin xỏ, trộm cắp tiền, vàng của vợ (có thể trích vài chục phần trăm lương để lập quỹ riêng)

Điều 2: Không phân biệt tuổi tác

Hội không phân biệt tuổi tác, chức vụ, cấp bậc, giới tính. Miễn sao có tửu lượng cao từ 3 xị trở lên là được.

Điều 3: Tự lực cánh sinh

Để giữ gìn sức khỏe, tất cả hội viên không được uống rượu bọt đường, rượu cồn, rượu dỏm... chỉ nên uống rượu gạo, rượu nếp, rượu tắc kè, rượu rắn...

Điều 4: An toàn trên xa lộ

Tất cả hội viên tuyệt đối không được lái xe các loại vì khi xỉn không làm chủ tốc độ dễ gây tai nạn (tốt nhất nên đi xe ôm hoặc quá giang người khác)

Điều 5: Tránh gây phiền phức

Khi đi nhậu không nên mang theo vợ con, nếu có em gái vợ chở theo thì càng tốt

Điều 6: Tôn trọng luật lệ

Trong bàn nhậu phải tuyệt đối tôn trọng chủ xị, không được kê táng, không phá mồi, không ăn gian, nói tục, chửi thề...

Điều 7: Tập trung cao độ

Trong bàn nhậu, để tránh mất đoàn kết nội bộ, tất cả hội viên không được phép rù rì riêng tư (vì dễ gây hiểu lầm), không được cầm nhầm hộp quẹt, không mang lộn dép, đặc biệt tay chân phải giữ trật tự nếu trong bàn có phái đẹp.

Điều 8. Uy tín tràn trề

Không được phép xin đi “tiêu” lúc chưa thanh toán tiền, để bạn nhậu ngồi đồng là mất đạo đức (nếu có đi phải để lại phần hùn)

Điều 9. Im lặng là vàng

Nhậu xong về nhà, tuyệt đối không được đánh đập, chửi bới vợ con. Nếu bị vợ đánh hoặc bị cằn nhằn thì chỉ được im lặng và đi kiếm chỗ ngủ (nhưng cố không được ngủ lộn nhà, lộn giường).

Điều 10. Đoàn kết nội bộ

Mọi thành viên của hội phải có nghĩa vụ thăm nuôi bạn bè khi có tai nạn do say xỉn gây ra hay do vợ đánh phải nằm viện cũng như gây rối trật tự bị công an bắt.

Điều 11. Không vi phạm pháp luật

Không được uống bia ôm, rượu ôm vì rất lãng phí và có ngày bị công an bắt (nếu lỡ vô, khi công an đến phải tìm đường... trốn trước)

Thoát tội

Hai đứa bé có ba là luật sư đang khoe khoang với nhau:

-Ba tớ hay thật, chỉ trong mấy ngày mà ba tớ đã giúp tên cướp của thoát khỏi tội.

-Vậy còn thua ba tớ. Ba tớ chỉ nói có một câu mà giúp cho kẻ giết 2 người đàn bà thoát khỏi lao tù luôn đó.

-Thế ba cậu đã nói gì thế?

-Ba tớ chỉ nói: "Đề nghị tử hình" !

 

Đứa cứng đầu


- Tôi đi rồi - người phụ nữ nói với người giúp việc mới - đừng quên cho bọn trẻ ngủ lúc 9 giờ.

Khi về nhà, người chủ hỏi người giúp việc xem chị ta cho lũ trẻ ngủ ra sao.

- Rất tốt, thưa bà, tất cả bọn trẻ đều ngủ. Người giúp việc trả lời. - Chỉ trừ thằng lớn nhà chị, cái thằng mặt đỏ hung hung là không chịu nghe lời. Nó cứ chống cự lại tôi thế này này!

- Mặt đỏ hung hung - Bà chủ kêu lên - Trời ơi! Đấy là chồng tôi!

 

Mộng Tuyền sưu tầm từ mạng Internet

 

Tiếp theo

 

 

 

Text Box: Trang Nhà Tin vui (website)  http://www.tinvui.org
Thư từ, ý kiến, và bài vở xin gửi  về  bantreconggiao@yahoo.com
Muốn nhận báo cũ và mới xinQuý Vị gửi về tinvuivietnam@gmail.com.
CHÂN THÀNH CÁM ƠN
?¶?
 


 

[1][1] Rm 5, 10

[2][2] Mahatma Gandhi, Triệu Quý Ngọc, Tủ sách danh nhân thế giới, NXB VHTT, 2003.

[3][3] Ed 11,19